Hàng nghìn lính Mỹ và Philippines ngày mai sẽ bắt đầu cuộc tập trận gần hai tuần ở Philippines giữa lúc có nhiều lo ngại về sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc.
Các quan chức Philippines cho
hay, cuộc tập trận mang tên Balikatan tức "vai kề vai", là một sự kiện thường
niên nhưng năm nay sẽ tập trung nhiều ơn với một số hoạt động diễn tập tổ chức ở
sát vùng nước “nhạy cảm” ở Biển Đông đang diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn
giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Một cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines. Ảnh: AP
Phía quân đội Philippines nói cuộc tập trận phục vụ sự ổn định trong khu vực và không nhằm mục đích chọc tức bất kỳ nước nào. Có 4.500 lính Mỹ và 2.300 quân Philippines tham dự tập trận. "Mục tiêu của chúng tôi là không chống lại bất kỳ nước nào, chúng tôi diễn tập để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh hàng hải, bảo vệ các lợi ích quốc gia”, Emmanuel Garcia, người phát ngôn quân đội Philippines nói.
Tướng chỉ huy quân sự Juancho Sabban cho hay, hoạt động còn bao gồm một cuộc tập trận trong đó binh lính tái chiếm một giàn khoan dầu bị chiếm ở Palawan.
Người phát ngôn Garcia xác nhận rằng, các tàu Mỹ và Philippines sẽ diễn tập ở vùng nước sát Biển Đông trong khi các nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á nhiều lần khẳng định, Trung Quốc là một trong những quan ngại “an ninh hàng hải” chính của nước họ.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và viện dẫn những chứng cớ lịch sử, kể cả đối với những vùng nước sát cạnh bờ biển của Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Cuộc cạnh tranh chủ quyền ở vùng biển chiến lược quan trọng này đã khiến cho Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng của châu Á, có nguy cơ châm ngòi xung đột quân sự.
Trong suốt hai năm qua, Philippines đã nhiều lần than phiền rằng, Trung Quốc trở nên ngày càng gây hấn hơn trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Manila lên án các hành động của tàu Trung Quốc như bắn cảnh báo vào ngư dân, quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.
Mới đây, căng thẳng tăng cao trở lại khi các tàu Philippines và Trung Quốc đụng độ tại một hòn đảo gọi là bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông. Sau gần một tuần, hai bên từ chối thoái lui và vẫn tiếp tục giữ các tàu dân sự ở bãi đá ngầm cách tây đảo Luzon của Philippines 230 km trong nỗ lực khẳng định chủ quyền mỗi bên.
Cho là phải đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino năm ngoái đã kêu gọi tăng cường quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ. Ông đã hoan nghênh việc Mỹ tái thiết sự hiện diện của mình ở khắp châu Á - Thái Bình Dương - một phần là để đối phó với sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự gia tăng của Trung Quốc.
Tháng trước, Tổng thống Aquino nói, mặc dù sẽ không có sự trở lại lâu dài của quân Mỹ tại các căn cứ ở Philippines, nhưng ông hoan nghênh sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ thông qua nhiều cuộc diễn tập chung hơn như kiểu Balikatan.
Theo John Blaxland, chuyên gia chính trị và an ninh khu vực từ Đại học Quốc gia Australia, trong trường hợp này, Balikatan ngoài ý nghĩa thông thường sẽ còn là thông điệp gửi tới Trung Quốc. "Đó là thông điệp khéo léo để khẳng định cho Philippines rằng, Mỹ thực sự nghiêm túc trong cuộc chơi ở châu Á và sẽ cung cấp các hỗ trợ khi cần thiết”, Blaxland nói.
Cuộc tập trận Balikatan sẽ bắt đầu từ thứ hai tới ngày 27/4 dự kiến diễn ra ở Luzon cũng như Palawan. Cả Philippines và Mỹ đều nhấn mạnh, Balikatan không tập trung hoàn toàn vào xung đột, quân đội hai nước còn có các cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo và đối phó thảm họa. Balikatan sẽ được “mở màn” vào thứ hai với một buổi lễ ở Manila.
Thái An (theo Channelnewsasia, BBC)