Cuộc chạm trán giữa tàu thuyền Trung Quốc và tàu Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough
Vụ tranh cãi mới đây nhất giữa hai bên đã bước sang tuần thứ hai, khi một tàu phòng vệ bờ biển Philippines và hai tàu hải giám Trung Quốc “mặt đối mặt” ở gần bãi đá ngầm Scarborough.
"Khi theo đuổi một giải pháp hòa bình cho vấn đề bãi đá ngầm Scarborough, chúng tôi hoàn toàn có ý định khiêm nhường là mời bạn bè Trung Quốc cùng với chúng tôi ra Tòa án Quốc tế về Luật biển”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói.
"Mục đích sẽ là để xác định một cách chắc chắn rằng, chúng tôi có chủ quyền với vùng nước quanh bãi đá ngầm Scarborough, nơi các tàu Trung Quốc gần đây đã tham gia và các hoạt động bất hợp pháp trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.
Bắc Kinh chưa có bình luận gì về lời mời của Manila, nhưng theo giới phân tích, không chắc họ sẽ đồng ý.
Tranh cãi hai bên bắt đầu từ 10/4 khi hai tàu hải giám Trung Quốc đã cố ngăn chặn tàu chiến Philippines bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc. Philippines cho rằng, các ngư dân đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.
Hôm 16/4, bộ Ngoại giao Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Khanh đến để trao công hàm phản đối sau khi các tàu và máy bay Trung Quốc bị nghi "quấy rối" một tàu Philippines. Hãng tin Kyodo dẫn lời phát ngôn viên Philippines Raul Hernandez nói, máy bay Trung Quốc đã bị tàu tuần duyên Philippines đang tuần tra trong khu vực phát hiện vào chiều 15/4.
Ông Raul Hernandez nêu rõ: "Những hành động như vậy đã vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trong việc tiến hành nghiên cứu biển tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines... Philippines yêu cầu các tàu và máy bay Trung Quốc dừng việc quấy rối và các chuyến bay trên (tàu Philippines) để tàu này và thủy thủ đoàn có thể hoàn thành công việc.
Tuân thủ luật biển
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu khí, cũng là nơi có những lộ trình vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Trong các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc là nước khẳng định chủ quyền lớn nhất, thậm chí với cả những vùng biển ngay cạnh bờ biển của các nước khác.
Ngoài đụng độ với Philippines, Trung Quốc gần đây cũng “đấu khẩu” với Ấn Độ về việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Mỹ hôm 17/4 cho biết, luật pháp của các vùng biển cần được tôn trọng và vấn đề cần được giải quyết thông qua đối thoại.
"Chúng tôi cố gắng không tham gia vào vấn đề tương tác song phương và tranh chấp, nhưng thay vào đó, cần có một chính sách nguyên tắc về các tham số dựa vào đối thoại và thảo luận”, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell nói.
Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ tránh xa Biển Đông khi đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển. Nhưng Ấn Độ khẳng định rằng, Trung Quốc không có độc quyền trong khu vực, và rằng Biển Đông là tài sản của thế giới.
Ông Campbell, người đã có buổi trao đổi với báo chí sau cuộc đối thoại Mỹ - Ấn lần thứ năm về khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra “tiêu chí rất rõ ràng về cách chúng tôi nhìn nhận vấn đề được giải quyết thế nào, đó là tuân thủ luật biển”.
Thái An (theo Reuters, ibnlive)