- Thủ tướng Putin, người giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, tuyên bố sẽ từ chức khỏi vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền và chuyển giao nó cho thủ tướng tương lai D.Medvedev.

Sự ra đi của ông Putin khỏi đảng Nước Nga thống nhất đánh dấu bước thay đổi lớn với một đảng là “tâm điểm” của nền chính trị Nga trong nhiệm kỳ tổng thống 2000 - 2008 của ông Putin, nhưng giờ đây lại thu hút bởi những cuộc biểu tình đường phố và các lời phàn nàn tham nhũng.

Ông Putin là lãnh đạo đảng cầm quyền trong giai đoạn làm thủ tướng của ông Medvedev 4 năm qua. Hai nhân vật này sẽ hoán đổi vị trí sau lễ nhậm chức ngày 7/5. Ông Putin khẳng định, sẽ là hợp lý để ông Medvedev ngồi vào ghế của ông ở trong đảng cầm quyền.

Ảnh: Wordpress

"Chúng ta đã phát triển một truyền thống chính trị, trong đó tổng thống là nhân vật không đảng phái”, các hãng tin tức trích lời ông Putin nói với ban lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất.

"Hiến pháp không cấm tổng thống là một thành viên của một đảng phái nào đó. Nhưng theo tinh thần của nó, tổng thống thực sự là hình mẫu hợp nhất của mọi lực lượng chính trị”, ông Putin nói.

Phát biểu tại cuộc gặp ban lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất, ông Putin đã đánh giá cao vai trò tích cực của đảng này trong việc đưa nước Nga thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đoàn kết xã hội và mọi công dân Nga để khôi phục và chấn hưng đất nước.

Ông khẳng định đảng này có mọi điều kiện và cơ hội để duy trì vị trí lãnh đạo ở Nga thông qua việc chứng minh cho các công dân Nga thấy rằng phương hướng phát triển đất nước và kinh tế-xã hội do đảng cầm quyền đề xuất là ưu việt và tối ưu nhất hiện nay.

Putin đề nghị đảng tiến hành đại hội vào cuối tháng 5 tới để bầu chủ tịch mới, và đề cử đương kim Tổng thống đồng thời là Thủ tướng tương lai Dmitry Medvedev vào vị trí này.

Tại cuộc bầu cử hạ viện hồi tháng 12/2011, đảng Nước Nga Thống nhất đã mất đi 14% phiếu bầu so với cuộc bầu cử năm 2007. Theo giới phân tích, kết quả bỏ phiếu thể hiện sự thay đổi ở Nga sau nhiều năm lãnh đạo của ông Putin và đảng của ông. Ngay sau đó, hàng loạt cuộc biểu tình lớn chưa từng có đã diễn ra để phản đối kết quả bầu cử thiên về đảng cầm quyền. Phe đối lập thậm chí còn yêu cầu tổ chức bầu cử lại.

Khi ấy, theo nhận định của các nhà phân tích chính trị, kết quả bầu cử quốc hội thấp hơn hẳn dự kiến đối với đảng của ông Putin nên là lý do để ông giữ khoảng cách với đảng của mình và củng cố hình ảnh là vị lãnh đạo quốc gia của tất cả người dân Nga.

Thái An (theo Telegraph)