- Săn cử tri của các đảng bị loại là một nghịch lý lớn của cơ chế và hệ thống dân chủ Pháp. Cuộc “săn” này thiếu rõ ràng, minh bạch và có thể gọi là mị dân.
Cuộc vận động cử tri của hai ứng viên - cánh tả và cánh hữu – cho vòng chung kết ngày 6/5 là cuộc “săn” cử tri của các đảng bị loại sau vòng 1. Với vị trí nhất nhì, chênh lệch nhau chưa đến 1,5%, ông François Hollande của đảng Xã hội (PS) và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, đại diện Liên minh cánh hữu (UMP) sẽ không thắng nếu không chinh phục được những cử tri này.
Săn cử tri của các đảng bị loại là một nghịch lý lớn của cơ chế và hệ thống dân chủ Pháp. Nghịch lý, vì cuộc “săn” này thiếu sự rõ ràng, thiếu sự minh bạch và có thể đánh giá là mị dân, từ diễn văn cho đến phương pháp... hành lang.
Lấy ví dụ nước láng giềng Đức để so sánh. Ở quốc gia này, thường xuyên có trường hợp một đảng A nào đó đắc cử nhưng không đủ tỉ lệ số đông để một mình cầm quyền và thành lập chính phủ. Trong trường hợp đó, đảng A thẳng thắn thương lượng với các đảng khác để cầm quyền chung, phân vai, phân chức năng, với điều kiện các đảng này có cương lĩnh phù hợp hoặc có tính chất bổ sung. Các cuộc thương lượng đều diễn ra “giữa ban ngày” dưới sự quan sát của cử tri, của dư luận và báo chí.
Áp phích vận động tranh cử của Marine Le Pen và Nicolas Sarkozy. Ảnh: Le Monde |
Với 17,9%, về thứ 3 ở vòng 1 bầu cử tổng thống, bà Marine Le Pen, cựu ứng viên đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) và cử tri của bà đã trở thành yếu tố “quyết định” chính của vòng chung kết. Đặc biệt với ông Sarkozy, đây là những lá phiếu sống còn.
Nếu ứng viên đảng Xã hội chắc chắn hưởng 89% phiếu của các đảng cực tả và đảng Xanh, cử tri đảng cực hữu và đảng trung lập MoDem của ông François Bayrou, trong vai trò “trọng tài” nhỏ hơn với 9,1% phiếu, sẽ không đương nhiên chuyển phiếu cho đương kim tổng thống. Ông Louis Alliot, một lãnh đạo và cố vấn hàng đầu của FN, tuyên bố: “Khi địch thủ đã nằm dưới đế giày, phải tiếp tục đạp bẹp đến cùng!”.
“60% cử tri của đảng cực hữu FN dự kiến sẽ chuyển phiếu cho ông Nicolas Sarkozy, 18% cho François Hollande và 22% sẽ không tham gia hoặc bỏ phiếu trắng. 32% cử tri của đảng trung lập MoDem sẽ bỏ phiếu cho đảng Xã hội, 35% cho Nicolas Sarkozy và phần còn lại sẽ bỏ phiếu trắng hoạc không tham gia”. Đây là kết quả của cuộc thăm dò dư luận ngày 24/4 do viện nghiên cứu Ipsos Logica thực hiện.
Cũng như tất cả các nghiên cứu và thăm dò dư luận, mặc dù độ chính xác ngày càng cao, độ xấp xỉ vẫn tồn tại. Độ dao động của dư luận có thể có từ 3% đến 5%. Đặc biệt là sự biến động rất khó lường giữa “ý định” và “thực hành” của các cử tri cực hữu ngày hôm nay, nhất là bà chủ tịch đảng Marine Le Pen vẫn chưa chính thức và công khai chỉ định cho cử tri của mình chuyển phiếu cho ai. Cho đảng Xã hội? Tại sao không? Cho Nicolas Sarkozy? Có thể, nhưng chưa có gì chắc.
Tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho ứng viên của cánh tả thắng với số điểm từ 53% đến 56%. Ông Nicolas Sarkozy biết rõ tình huống bất lợi và rất tế nhị của mình. Những ngày này, từ mít tinh này đến mít tinh khác, ứng viên cánh hữu không ngừng gửi thông điệp đến cử tri cực hữu: "Tôi đã nghe và hiểu... và sẽ nhanh chóng đem câu trả lời đến...”.
Trao đổi với VietNamNet ở Paris, các chuyên gia chính trị học và nhà báo chuyên ngành nhận thấy rằng đảng cực hữu FN đang toan tính "cho” thắng cử ứng viên của đảng Xã hội. FN sẽ lợi dụng cơ hội bầu tổng thống và quốc hội để "đập đổ” cánh hữu truyền thống, với mục đích trở thành một lực lượng chính trị đối lập chính, có thế lực mạnh, đại diện cho cánh hữu nói chung, đối đầu với tổng thống (tương lai) và cánh tả.
Đảng trung lập MoDem không biết đi đâu
Cựu ứng viên François Bayrou vẫn chưa kêu gọi cử tri của mình chuyển phiếu cho bất cứ ai. Nhưng ông gửi một lá thư chính thức cho hai ứng viên vòng chung kết. Trong thư lá thư này, lãnh đạo của đảng trung lập Phong trào dân chủ (MoDem) liệt kê những điểm ưu tiên của cương lĩnh chính trị cốt yếu của mình. François Bayrou phát biểu: "Tôi chờ họ trả lời, sau đó tôi sẽ quyết định... ”.
Đó chỉ là lý thuyết. Thực tế thì hoàn toàn khác: François Bayrou sẽ không bao giờ “bỏ phiếu” cho Nicolas Sarkozy, người mà lúc nào ông cũng tranh chấp và chỉ trích. Có khả năng rất lớn là cựu ứng viên của MoDem sẽ tránh chỉ đạo về chuyển phiếu. Để tránh chiến tranh “ ra mặt” với cánh hữu và làm phật lòng cánh tả. Với mục tiêu chiến lược nhằm vào cuộc bầu cử quốc hội tương lai, tránh vị thế cô lập khi các ứng viên quốc hội của MoDem cần được hỗ trợ phiếu.
Trong khi chờ đợi định hướng của François Bayrou, các chính gia hàng đầu của "Phong trào dân chủ” bắt đầu tự phân tán, người qua bên phải, người qua bên trái. Như ông Jean-Luc Bennahmias, phó chủ tịch của MoDem tuyên bố sẽ "ủng hộ” François Hollande. Ông François Zocchetto, chủ tịch nhóm nghị sĩ trung lập của thượng nghị viện cho biết sẽ "bỏ phiếu” cho Nicolas Sarkozy. Chiều 25/4, François Bayrou đã bắt đầu phản ứng, ông tố cáo: "Nicolas Sarkozy chạy theo cử tri và luận đề cực hữu một cách nhục nhã! Tôi chắc chắn là cuộc chạy phiếu như thế này chỉ có đi đến thất bại, vì Pháp là một quốc gia được xây dựng bởi những tôn chỉ thanh cao không thể hoen ố...”.
Sarkozy quyết chiến hay vùng vẫy tuyệt vọng?
Như François Bayrou đã chỉ trích, ứng viên Nicolas Sarkozy không còn e dè hay giữ gìn ý tứ, trong tình thế một mất một còn, "tán tỉnh" ra mặt cử tri cực hữu của bà Marine Le Pen. Những cử tri phải chinh phục bằng mọi giá. Ông Sarkozy không ngần ngại lấy lại cho mình những luận đề "nóng" của cánh cực hữu thường xuyên sử dụng: vấn đề Hồi giáo ở Pháp, hạn chế tối đa nhập cư bên ngoài Liên minh châu Âu, hạn chế trợ cấp xã hội cho người không có quốc tịch Pháp v.v... Diễn văn của ông đã làm không ít công dân Pháp bị sốc.
Theo Viện nghiên cứu dư luận Opinion Way, 64% công dân Pháp nói không đồng ý với mô hình liên minh giữa Nicolas Sarkozy và đảng cực hữu để thắng cử. Trong 64% này, không ít người là cử tri kỳ cựu của cánh hữu. Trên đài phát thanh France-Info, ông Sarkozy trấn an: "Sẽ không thỏa thuận gì với đảng cực hữu FN! Sẽ không có bộ trưởng nào xuất thân từ đảng này". Thật ra, chiến lược của ông rất đơn giản nhưng cũng rất khó thực hiện: Lấy phiếu của cử tri cực hữu mà không phải trả gì cho bà Marine Le Pen.
Võ Trung Dung(từ Paris)