- Phía sau quan hệ có vẻ êm đềm, Nhật Bản ngày càng hoài nghi tham vọng hàng hải của Trung Quốc và tăng cường phòng thủ các đảo ở xa.
Quân đội Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện của họ trên bốn đảo phía tây: Ishigaki, Yonaguni, Miyako và Iriomotejima. Trong ít tuần qua, Nhật Bản đã nỗ lực khẳng định chủ quyền với gần 100 đảo khác, phần lớn không có người ở, hình thành cơ sở của vùng đặc quyền kinh tế theo Luật Biển quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền với một số đảo trên. Nước này trở nên quả quyết hơn với lực lượng hải quân ngày càng phát triển và hiện đại.
Tranh cãi gay gắt và kéo dài nhất trong tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh là quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm dưới sự quản lý của Nhật nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền.
Nhật ngày càng hoài nghi về các tham vọng hàng hải của Bắc Kinh và tăng cường phòng thủ các đảo ở xa. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, hai tuần qua, căng thẳng lại gia tăng trở lại sau khi một doanh nhân giàu có Trung Quốc đề nghị mua lại đảo với giá 430 triệu USD từ một gia đình Nhật sở hữu nó.
Điều này đã làm dấy lên sự giận dữ của Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara - người đã tuyên bố chính quyền thành phố muốn mua lại đảo với giá 500 triệu USD. Ông Ishihara, 79 tuổi, đã bắt đầu thương lượng mua lại Uotsurijima, Kitakojima và Minamikojima - các đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm cách đảo Ishigaki của Nhật Bản khoảng 140 km về phía bắc.
Kyodo News cho biết ông Ishihara dự tính sẽ sử dụng ngân sách của thành phố để mua lại các đảo hiện thuộc sở hữu một công dân Nhật. Kiểm soát khu vực biển ở đây đồng nghĩa với việc kiểm soát các mỏ dầu và khí đốt dưới đáy biển. Ông Ishihara dự kiến có thể đạt được thỏa thuận chính thức với chủ các đảo này vào cuối tháng 12 năm nay sau khi nhận được sự phê chuẩn của hội đồng dân biểu thành phố Tokyo.
Các tranh cãi đã gây rắc rối cho chính phủ của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) dẫn đầu là Thủ tướng Yoshihiko Noda, người bị ông Ishihara cáo buộc không đủ cứng rắn với Bắc Kinh xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ và thể hiện sự nhân nhượng có thể khuyến khích Trung Quốc dùng vũ lực với các đảo tranh chấp. Để làm chệch hướng chỉ trích, người phụ trách chính sách của DPJ cũng là cựu ngoại trưởng - nổi tiếng vì sự thận trọng về các tham vọng của Trung Quốc - ông Seiji Maehara, nói, chính phủ nên cân nhắc việc mua lại Senkakus từ gia đình Kurihara sở hữu chúng.
Từ khi lên nắm quyền năm 2009, chính phủ DPJ đã nỗ lực làm dịu các tuyên bố cứng rắn giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Nhưng đằng sau những nụ cười và các cuộc gặp có vẻ hoà hợp giữa các nhà lãnh đạo, chính phủ Nhật ngày càng nản lòng với các hành động từ Trung Quốc. Với Nhật Bản, một vấn đề tranh chấp còn quan trọng hơn cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đó là mỏ khí Shirakaba/Xuân Hiểu nằm ở đường trung tuyến giữa hai nước ở biển Hoa Đông.
Bắc Kinh và Tokyo đã ký một thoả thuận cùng phát triển ở khu vực trên trong năm 2008, nhưng chính phủ Trung Quốc đã trì hoãn dự án này trước và năm 2009 ngừng mọi cuộc thương thảo song phương cùng khai thác mỏ khí.
Chính phủ của ông Noda nghi ngờ Bắc Kinh có ý định đơn phương khai thác khu mỏ.
Mặc dù ông Ishihara chỉ trích chính phủ đang thoả hiệp với Bắc Kinh, nhưng theo giới quan sát, ông Noda là người quả quyết hơn hẳn những người tiền nhiệm. Ông khuấy động sự giận dữ từ Bắc Kinh vào tháng trước khi chính phủ Nhật tìm cách khẳng định chủ quyền bằng cách đặt tên cho 39 đảo không có người ở hoặc trước đây chưa có tên, đồng thời chỉ định khoảng 60 đảo khác là cơ sở cho vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa (dù thất bại) ngày 13/4 đã giúp Tokyo có thêm lý do để tăng cường hệ thống chặn tên lửa và rađa phòng thủ ở bốn hòn đảo phía tây của họ. Quân đội Nhật Bản còn thành lập đơn vị phòng không phản ứng nhanh có thể nhanh chóng triển khai tới các đảo bị đe dọa. Một đơn vị giám sát hàng hải mới cũng ra đời, với vai trò như nhóm quân sự đầu tiên chịu trách nhiệm bảo vệ các đảo không có người ở của Nhật.
Tháng 12 trước, bộ binh, hải quân và không quân Nhật đã tiến hành tập trận chung với các lực lượng Mỹ với bài tập giả thiết Nhật phải giành lại một trong các đảo ở phía nam bị xâm chiếm.
Ứng viên sáng giá cho ghế chủ tịch cũng như lãnh đạo đảng của Trung Quốc - ông Tập Cận Bình đã cảnh báo Tokyo hành động thận trọng khi ứng xử với các vấn đề được coi là “lợi ích cốt lõi” với Trung Quốc.
Hãng tư vấn chiến lược Oxford Analytica đã đánh giá tình hình quan hệ Trung - Nhật khá ảm đạm: “Khả năng xung đột vũ trang là có thật”.
Thái An(Theo vancouversun)