- Liên minh châu Âu (EU) đã mở văn phòng tại Yangon ngày 28/4, công nhận tiến trình cải cách hướng tới dân chủ và hỗ trợ Myanmar bước tiếp.

Bà Catherine Ashton, phụ trách chính sách đối ngoại EU đã chủ trì lễ khánh thành văn phòng cùng với nhà lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi và Thủ hiến vùng Yangon Myint Swe.

Bà Ashton cho biết, văn phòng mới sẽ giúp EU “tham gia và hỗ trợ tiến bộ chính trị của Myanmar”. EU - vốn là nhà cung cấp viện trợ nhân đạo hàng đầu cho Myanmar - đã cam kết viện trợ trị giá 150 triệu euro trong giai đoạn 2012-2013 - chủ yếu cho các chương trình phát triển dài hạn ở nông thôn.

Bà Suu Kyi, người tham gia cắt băng khánh thành trong buổi lễ tuyên bố: “Minh bạch hơn sẽ tốt hơn. Tôi hy vọng việc thiết lập văn phòng này tại Myanmar sẽ tăng cường quan hệ giữa EU và Myanmar”.

Bà Aung San Suu Kyi và người phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton trong cuộc họp báo chung tại Yangon ngày 28/4

EU đầu tuần này đã tuyên bố ngừng hầu hết các biện pháp trừng phạt quốc gia Đông Nam Á trong hai thập niên qua, trừ cấm vận vũ khí. Quyết định nới lỏng cấm vận diễn ra sau những thay đổi được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, người lên nắm quyền vào tháng 3/2011.

Vị cựu tướng mang đầu óc cải cách của Myanmar đã thả tự do cho hàng trăm tù chính trị, ký các thoả thuận ngừng bắn với hàng chục nhóm sắc tộc nổi dậy và mở đường cho lãnh đạo phe đối lập - người giành giải Nobel hoà bình Suu Kyi trở lại hoạt động chính trị.

Bà Ashton sẽ có cuộc gặp với ông Thein Sein tại Naypyitaw vào chủ nhật.

“Chúng tôi biết thay đổi cần có thời gian, họ cần được khuyến khích và cần được đảm bảo rằng, mọi người có thể cảm thấy tin tưởng về tương lai của chính mình”, bà Ashton nói. “Hy vọng chúng ta có thể làm việc cùng nhau để có thành tựu lâu dài”.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển, đã có những phản ứng tích cực trước những nỗ lực cải cách chính trị, kinh tế, xã hội của Myanmar. Nhật Bản hôm 22/4 cho biết sẽ từng bước xóa khoản nợ 3,7 tỉ USD và nối lại các cam kết viện trợ phát triển để ủng hộ cải cách dân chủ và kinh tế của Myanmar.

Mỹ đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên tại Myanmar sau 22 năm và tuyên bố đang từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia này. Australia cũng sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cùng hơn 200 người nữa đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính. Còn EU thì dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hơn 800 công ty hoạt động ở các lĩnh vực gỗ, khai khoáng; cho phép đầu tư vào khoảng 50 công ty gần gũi với chính phủ; chấm dứt các hạn chế nhập cảnh và lệnh cấm đi lại đang ảnh hưởng tới gần 500 người.

Thái An (theo DPA, The Hindu)