- Đụng độ bắt đầu giống như những vụ đụng độ nhỏ khác xung quanh những hòn đảo ở Biển Đông. Nhưng nguy cơ trong cuộc tranh cãi mới nhất về một bãi đá ngầm lớn hơn nhiều diện tích của chính nó.

Các tàu vũ trang từ Philippines và người hàng xóm hùng mạnh hơn là Trung Quốc đã đối đầu nhau trong suốt hai tuần lễ ở bãi đá ngầm hình móng ngựa có tên Scarborough. Hai bên có thể tính toán sai lầm, và hậu quả xảy ra có thể khiến cả khu vực phải gánh chịu, cũng như kéo cả Mỹ tham dự.

Hãy nhìn vào vấn đề chính:

Khởi đầu

Hải quân Philippines nói, họ bắt gặp các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép và vào ngày 10/4, hai tàu Trung Quốc đã được điều động tới để bảo vệ ngư dân. Các tàu cá đã rời đi, để lại phía sau một vụ đụng độ căng thẳng khi cả hai không ai nhường ai, và đều hy vọng phía còn lại rút lui trước.

Ảnh: armchairgeneral

Lịch sử xung đột

Bãi đá ngầm nằm trong số 200 hòn đảo, bãi cạn lớn nhỏ trải rộng ở Biển Đông - nơi rất giàu nguồn cá và các tài nguyên khác.

Đã xảy ra những vụ đụng độ lẻ tẻ trên biển trong ít thập niên qua. Sau đó, trong năm 2002, tất cả các bên nhất trí giữ nguyên trạng.

Bối cảnh chính trị

Năm ngoái, Manila cáo buộc các tàu Trung Quốc “quấy nhiễu” tàu thăm dò năng lượng của họ ở vùng biển Philippines và bắn cảnh báo ngư dân Philippines.

Đó là đúng một năm sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III lên nhậm chức với lời hứa đấu tranh chống tham nhũng và phục hồi hình ảnh quốc gia. Người tiền nhiệm của ông, bà Gloria Macapagal Arroyo, bị cáo buộc “lấy lòng” Bắc Kinh và có các hợp đồng tham nhũng với các nhà đầu tư Trung Quốc. Aquino trở lại với đồng minh truyền thống là Mỹ vừa lúc Tổng thống Barack Obama tìm kiếm tái hiện diện ở châu Á.

Trong khi đó, Trung Quốc - một cường quốc đang trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự - đang trở nên quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và không có tâm trạng thể hiện sự yếu ớt.

Chồng lấn chủ quyền

Bãi đá ngầm Scarborough nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (370km) của Manila được Công ước LHQ về Luật Biển công nhận. Nhưng Trung Quốc nói Phillippines đã hiểu sai Luật Biển. Quan điểm của Bắc Kinh dựa trên các bản đồ cổ xưa cho dù chưa rõ những tấm bản đồ ấy có sức nặng thế nào trong hiện tại.

Bản đồ mà Trung Quốc đệ trình lên LHQ năm 2009 đã tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng Bắc Kinh không làm rõ được mức độ chính xác trong tuyên bố của mình. Họ cũng từ chối đề nghị của Philippines mang tranh chấp ra phân xử tại một toà án quốc tế.

Vai trò Mỹ

Manila cảm thấy – và đó cũng là cảm giác của Trung Quốc - rằng họ đang có sự ủng hộ của Mỹ.

Điều đó phần nào xuất phát từ thực tế là: Mỹ có bổn phận bảo vệ Philippines khỏi sự gây hấn từ bên ngoài theo hiệp ước phòng thủ chung và có mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng an ninh của Manila trong cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan ở phía nam Philippines.

Gần đây, Washington đã góp phần hiện đại hoá quân đội trang bị lạc hậu của Philippines, đặc biệt với hải quân. Washington từng khiến Bắc Kinh nổi đoá năm 2010 khi tuyên bố rằng, thương mại không bị cản trở và giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông là một lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ - quốc gia có mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc - luôn khẳng định không đứng về phía nào.

Nhân tố dầu khí

Một số căng thẳng ở Biển Đông liên quan tới vấn đề dầu khí. Tuy nhiên, chưa rõ là khu vực này có trữ lượng bao nhiêu. Hầu hết các cuộc thăm dò đều đưa ra rất ít bằng chứng cho thấy một trữ lượng đáng kể các tài nguyên năng lượng ngoài khí tự nhiên.

Các tuyên bố chủ quyền chồng lấn đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc thăm dò khai thác dầu khí.

Các mỏ Malampaya và Camago của Philippines chứa đựng cả nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên lại nằm ở vùng biển tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Tuy vậy, Manila đã phát triển các mỏ này và xây dựng một đường ống dẫn để sẵn sàng cung cấp khí đốt - nhân tố trở nên quan trọng với nền kinh tế đất nước. Nhưng khi Philippines có kế hoạch mời thầu thăm dò hai khu vực khác, Trung Quốc đã bất bình và phản ứng, dẫn tới quan ngại xung đột leo thang.

Thái An(theo abcnews)