Bà Hillary Clinton tuyên bố chính phủ Mỹ phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/5 sau cuộc gặp “2+2” đầu tiên giữa Mỹ và Philippines tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Clinton nhấn mạnh, trong khi chính phủ Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, thì ở cương vị là cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở các tuyến đường biển trong khu vực.

Ở cuộc hội đàm với các quan chức Philippines, bà Clinton cũng nói rằng, Mỹ lần nữa xác nhận nghĩa vụ của họ theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines (MDT).

Bà nói, cả hai bên bày tỏ quan ngại về các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên cũng như “những sự kiện ở Biển Đông, bao gồm cả căng thẳng gần đây ở bãi đá ngầm Scarborough”.

"Trong bối cảnh này, quan điểm của Mỹ là rõ ràng và nhất quán: trong khi chúng tôi không đứng về phía nào trong cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông, thì như một cường quốc Thái Bình Dương, chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, duy trì hoà bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở đi qua các tuyến đường biển của chúng ta”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.


Các ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Philippines trong cuộc họp báo chung tại Washington. Ảnh: interaksyon

Bà nhấn mạnh rằng, Mỹ ủng hộ “tiến trình ngoại giao, hợp tác của tất cả các bên liên quan để giải quyết mọi tranh chấp mà họ đối mặt”.

"Chúng tôi phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào nhằm có lợi cho tuyên bố chủ quyền của họ và chúng tôi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với đồng minh Philippines”, bà Clinton tuyên bố.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cùng bà Clinton đã có cuộc họp báo về Đối thoại Chiến lược Mỹ - Philippines tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Mỹ ủng hộ tiếp cận đa phương

Khi được hỏi liệu Philippines có được “đảm bảo rõ ràng” từ sự ủng hộ của Mỹ, ông Del Rosario nói rằng, Mỹ muốn tranh chấp xung quanh bãi đá ngầm Scarborough được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và hoà bình.

"Trong các điều khoản cam kết của Mỹ, tôi nghĩ Mỹ đã rất rõ ràng rằng, họ không tham gia các tranh chấp lãnh thổ, nhưng họ cũng nhất quán khi đưa ra quan điểm hướng tới cách giải quyết hoà bình trong tranh chấp ở Biển Đông, hướng tới một cách tiếp cận đa phương và sử dụng một cơ chế dựa trên các quy định phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển”, ông nói.

Ngoại trưởng Del Rosario nhấn mạnh, Mỹ bày tỏ họ sẽ “thực hiện những nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Phòng thủ chung”. Ông cho hay, Philippines đang theo đuổi cách tiếp cận 3 hướng về giải quyết tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough. Đó là:

- Con đường chính trị: dùng ASEAN như một khuôn khổ để thông qua đó cùng nhau đặt ra bộ quy tắc hành xử.

- Con đường luật pháp: sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp. Ông nói, Philippines đang hy vọng theo đuổi 2 trong số 5 cơ chế theo Công ước LHQ về Luật Biển.

- Con đường ngoại giao: bao gồm cả việc tham vấn với Trung Quốc để tháo gỡ căng thẳng.

Ông Gazmin cho biết, Mỹ cam kết hỗ trợ Philippines nếu họ mang các trường hợp ra toà án quốc tế. Ông nhấn mạnh, Mỹ muốn một “cách tiếp cận dựa trên những luật lệ” được sử dụng trong giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.

Vụ tranh chấp mới nhất ở Biển Đông giữa Trung Quốc - Philippines bắt đầu xảy ra hôm 8/4 khi Philippines tìm cách bắt các ngư dân Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough và bị các tàu Trung Quốc ngăn cản. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền ở bãi đá ngầm này.

Không một nước nào rút tàu của mình trước mặc dù cam kết không làm leo thang căng thẳng. Ngày 28/4, Philippines đã cáo buộc Bắc Kinh dùng các chiến thuật "ức hiếp" sau khi một tàu của Trung Quốc chạy nhanh, đổi hướng một cách nguy hiểm gần hai tàu của Philippines tại Biển Đông.

Trung Quốc, Philippines và một số nước Đông Nam Á khác đều đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc khẳng định chủ quyền lớn nhất, bao trùm hầu hết vùng biển kể cả những khu vực sát bờ biển nước khác.

Bãi đá ngầm Scarborough - chỉ cách đảo Luzon của Philippines khoảng 230km. Theo bản đồ mà hải quân Philippines cung cấp cho báo chí, điểm đất liền gần nhất của Trung Quốc với bãi Scarborough là tỉnh Hải Nam cũng cách phía tây bắc bãi đá ngầm đến 1.200km.

Thái An (theo Heraldsun, AP, Reuters)