- Với người Trung Quốc, có thể học họ về lễ nghi, lễ tân, học cách làm việc khoa học và kỷ cương công nghiệp nên học CHLB Đức, học văn hóa ứng xử nên học Nhật bản, học môi trường XH và sinh thái nên học các nước Bắc Âu, học ý chí và hoài bão làm giàu bằng chất xám và trí tuệ nên học Israel...
Đó là những đúc kết của nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp sau nhiều năm công tác, đi trao đổi kinh nghiệm quản lý ở hàng chục quốc gia trên thế giới, mà nhiều nước ông đã qua lại nhiều lần, hầu hết là các nước lớn và giàu .
Nhận định về xu thế vận động của thế giới đầu thế kỷ 21, ông nhấn mạnh 4 đặc điểm lớn. Đó là các nước giàu luôn luôn tìm mọi cách thỏa hiệp, chi phối để tiếp tục làm giàu trên thân phận các nước nghèo (Ở đây không đề cập đến cụm từ nước lớn (đất rộng, dân đông) vì trên thực tế nước lớn mà nghèo thì vẫn là nước nhỏ).
Hạ tầng bất cập nhất là giao thông. Ảnh: Vietnamnet |
Với các nước giàu, mọi quan điểm và tuyên bố của họ với thế giới suy cho đến cùng đều vì lợi ích quốc gia. Xu thế hợp tác đa chiều, nhưng kinh tế đa cực ngày càng rõ. Nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, viễn thông, hàng không.... Hội tụ nhanh, hợp tác sâu rộng, không có biên giới, ngoài ý muốn chủ quan của con người.
Việt Nam – biểu tượng yêu chuộng hòa bình
Theo nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, có nhiều điều bạn bè quốc tế tôn vinh Việt Nam. Họ coi Việt Nam là một quốc gia, nêu cao chủ nghĩa anh hùng dân tộc trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, trở thành biểu tượng, niềm tin của các nước yêu chuộng hòa bình và độc lập dân tộc trên toàn thế giới.
Việt Nam là một đất nước đổi mới thành công. Đổi mới mà không đổi màu, hòa nhập mà không hòa tan. Vừa phát triển vừa giữ được chế độ và bản sắc dân tộc. Việt Nam hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, tự tin, sáng tạo, thủy chung và tình nghĩa. Từng bước nâng cao vai trò, vị trí, thương hiệu của dân tộc mình trên trường quốc tế.
Việt Nam là một quốc gia: Đất nước thanh bình, nhân dân thân thiện, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, An ninh quốc phòng vững mạnh. Trở thành điểm hẹn an toàn, hấp dẫn cho khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh những điều tôn vinh, ông cho biết, bạn bè thế giới cũng dành những lời góp ý chân thành cho Việt Nam. Một số bất cập được bạn bè quốc tế chỉ ra như thế chế trên thoáng, dưới chưa thông. Quyền lực phân tán, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Thủ tục hành chính nhiều phiền hà và chậm trễ.
An ninh chính trị tốt, nhưng trật tự an toàn xã hội chưa tốt (như tai nạn giao thông, trộm cắp, cờ bạc, ma túy…). Chất lượng lao động bất cập: Tính chuyên nghiệp chưa cao. Thế lực yếu. Kỷ luật lao động không nghiêm. Tính hợp tác theo nhóm hạn chế. Năng suất lao động còn thấp.
Môi trường ô nhiễm. Hạ tầng bất cập nhất là giao thông, điện và cấp thoát nước cũng là những góp ý cho Việt Nam.
Học gì ở Trung Quốc?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, theo ông, khi đặt so sánh với thực tiễn phát triển của mình, cần xác định : Ta là ai? Ta đang ở đâu? Ta phải làm gì?
Với ý nghĩa đó, ông gợi ý một số bài học như: học lễ nghi, lễ tân nên học Trung Quốc. Học cách làm việc khoa học và kỷ cương công nghiệp nên học CHLB Đức. Học văn hóa ứng xử nên học Nhật bản. Học môi trường XH và sinh thái nên học các nước Bắc Âu.
Học ý chí và hoài bão làm giàu bằng chất xám và trí tuệ nên học Israel. Học cách tôn vinh các di sản văn hóa để giáo dục truyền thống và thu hút khách du lịch nên học các nước: Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Ai cập…
Về giáo dục đào tạo: Giáo dục phổ thông nên học Pháp. Giáo dục đại học nên học Anh. Giáo dục sau đại học nên học Mỹ. Giáo dục dạy nghề nên học Đức. Đào tạo và ứng dụng CNTT nên học Israel...
Lê Doãn Hợp
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam