- Khẳng định phải có luật quốc nội đầy đủ để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền về biển đảo của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho hay luật biển sắp ban hành cho thấy việc “đi đúng đường”.

Sáng 2/5, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1.

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời trực tiếp hàng loạt vấn đề như tái cơ cấu nền kinh tế, lạm phát và ảnh hưởng đời sống của người dân, chống tham nhũng và tổ chức bộ máy, cải tiến tiếp xúc cử tri, nâng cao hiệu lực hiệu quả giám sát của Quốc hội, tình hình biển Đông và mở rộng dân chủ trong công tác xây dựng Đảng...

Chậm... luật biển

Trước ý kiến của cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh) về yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định nhu cầu tất yếu về bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có vùng biển, đảo chủ quyền, dựa trên cơ sở luật pháp, đặc biệt luật pháp quốc tế.

Ảnh: Quốc Thái

Ông nhắc tới Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN. Song một yếu tố quan trọng khá,c đó là việc thiết lập hệ thống luật quốc nội đầy đủ, không chỉ đảm bảo phát triển các giá trị tài năng biển thế mạnh mà còn bảo vệ vùng biển, đảo chủ quyền.

Về tiềm năng biển, khai thác về thủy hải sản, dầu khí hiện chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng thu nhập ngân sách hàng năm. Theo chiến lược biển đã ban hành, đến năm 2020, quy mô đóng góp từ kinh tế biển đóng góp trên dưới 40% (hiện nay là 16-17%).

Do đó, theo Chủ tịch nước, vấn đề không chỉ nhận thức mà phải hành động. Việc ban hành soạn thảo luật biển là "đi đúng đường".

“Có lẽ một trong những văn bản để hoàn chỉnh cuối cùng là luật Biển Việt Nam. Nước nào trên thế giới cũng có luật quốc nội. Chúng tôi cũng tự phê bình làm như thế là chậm”.

'Tham nhũng quá lớn'

Tại buổi tiếp xúc, ý kiến cử tri cho rằng công tác phòng chống tham nhũng còn hạn chế, tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy công quyền vẫn còn tiếp diễn.

Cử tri Bùi Đức Tráng (phường Phạm Ngũ Lão) cho rằng, trong khi lãnh đạo quyết tâm chống tham nhũng nhưng thực trạng vẫn quá lớn, tình trạng nhũng nhiễu diễn ra nhiều trong cơ quan nhà nước, bộ máy chống tham nhũng chưa hiệu quả.

Cử tri đề xuất cơ chế chắt lọc bộ máy cán bộ, lãnh đạo trong cơ quan công quyền, phải có cơ chế giám sát tham nhũng chặt chẽ, bảo vệ người tố cáo và thực hiện bất tín nhiệm với người tham nhũng...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, hiện có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng. Có ý muốn giữ nguyên như hiện nay nhưng tăng cường quyền hạn. Nhiều ý kiến lại cho rằng vấn đề phòng, chống tham nhũng nên trực thuộc Quốc hội hoặc giao cho Đảng, hoặc thành lập một ủy ban độc lập đủ quyền lực... Ông cho hay tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về vấn đề này.

Quốc Thái