Chính quyền trải thảm đỏ cho nhà đầu tư thì cũng phải có thảm đỏ cho dân, không thể là thảm có gai - ông Đặng Ngọc Dinh nêu.
Thu hồi đất: Dân chủ, công khai, không dùng vũ khí
Thủ tướng: Làm hài hòa, đừng để thêm khiếu kiện đất đai
Ông Đặng Ngọc Dinh: Chính quyền trải thảm đỏ cho nhà đầu tư thì cũng phải có thảm đỏ cho người dân. Ảnh: Chung Hoàng
"Báo chí đều đã công bố công khai con số 70% khiếu kiện của dân là về đất đai, trong đó người dân phàn nàn nhiều rằng giá đền bù quá thấp", ông Dinh nói tại hội thảo công bố chỉ số PAPI 2011 sáng nay ở Hà Nội.
Tại hội nghị trực tuyến về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hôm qua, việc quy hoạch sử dụng đất và thu hồi cũng là vấn đề nóng nhất, một vướng mắc trong quan hệ giữa chính quyền và người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà tại phiên họp UB Thường vụ QH hôm 28/4 thậm chí còn nhận định đất đai là điểm nghẽn lớn nhất đối với nền kinh tế.
Trong tương quan với một chỉ số rất được chú ý khác là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đất đai cũng có thể là một điểm tạo ra sự chênh lệch giữa PCI và PAPI của cùng một địa phương. "Có thể có những tỉnh được doanh nghiệp đánh giá cao vì tạo điều kiện và ưu ái các nhà đầu tư, cấp đất, giao đất dễ dàng, thì người dân lại không ưng", ông Đặng Ngọc Dinh trao đổi với báo chí.
Theo ông, về nguyên tắc, chính quyền phải ứng xử với hai đối tượng - doanh nghiệp và người dân - giống nhau: "Chính quyền trải thảm đỏ cho nhà đầu tư thì cũng phải có thảm đỏ cho người dân, không thể là thảm có gai".
Kết quả khảo sát cho thấy người dân ít được thông tin về đất đai. Theo ông Hà Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện QH, đây cũng là một vấn đề ĐBQH cần nghiên cứu để tham gia thảo luật xây dựng luật về đất đai, cũng như khi giám sát và chất vấn các thành viên Chính phủ và những người có trách nhiệm.
"Công khai, minh bạch thông tin là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, góp phần hoàn thiện thể chế, cũng như là một trong những tiêu chí quan trọng để phòng ngừa tham nhũng", ông Long nhận định.
Chuyên gia của UNDP Jairo Acuna-Alfaro thì khẳng định đây là những số liệu rất khách quan để các nhà hoạch định chính sách tham khảo.
"Mục đích cuối cùng là để các chính quyền tìm ra cách cải thiện mức độ phục vụ, chất lượng dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của người dân", ông Jairo nói.
Đồng ý với nhận định "cơ quan công quyền là cửa hàng dịch vụ, người dân là khách hàng" của ông Đặng Ngọc Dinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng nói đây là một trong hai hướng mà Chính phủ chỉ đạo đánh giá nền hành chính.
"Một là đánh giá từ bên trong, của chính các cơ quan hành chính và chính quyền các cấp. Song song với đó là đánh giá từ bên ngoài, từ phía người hưởng thụ các dịch vụ hành chính", ông Phúc nói. "Mục tiêu là chuyển thành công sang một nền hành chính phục vụ".
Chung Hoàng