Việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ bắt đầu từ tháng 1 sang năm, lùi 6 tháng so với dự kiến.

Chính phủ họp thường kỳ tháng 4. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho hay các bộ, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện chuẩn bị cho phương án thu phí như luật đường bộ quy định. Ông nói, thời hạn thực hiện thu phí bảo trì đường bộ nếu bắt đầu từ ngày 1/6 là "rất gấp".

Chính phủ giao Bộ GTVT, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện phương án chuẩn bị, từ giải pháp kỹ thuật thực hiện để hoàn chỉnh đề án thu phí, có kế hoạch tuyên truyền nhân dân thực hiện, đảm bảo thời hạn triển khai sẽ bắt đầu từ đầu năm tới.

Với hai loại phí đề xuất là phí hạn chế phương tiện giao thông và phí hạn chế ô tô nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, Bộ trưởng cho hay do đây là vấn đề liên quan đến người dân, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thường trực Chính phủ.

Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, chỉ đạo chuẩn bị đề án kỹ lưỡng, có nghiên cứu sở cứu khoa học, mức độ tác động đến đời sống của người dân, các điều kiện kỹ thuật thực hiện thu phí, hoàn thiện lại đề án để trình Thủ tướng.

Nếu Thủ tướng xem xét thông qua, sẽ trình Chính phủ cho ý kiến. Nếu Chính phủ đồng thuận mới chính thức trình lên Ủy ban Thường vụ QH. Ông Vũ Đức Đam khẳng định đề án soạn thảo mới dừng ở mức do các bộ, ngành chức năng trình Thủ tướng và Thủ tướng đang yêu cầu hoàn thiện đề án để xem xét tính khả thi.

Giải cứu doanh nghiệp

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Chính phủ đã thống nhất về gói giải pháp giải cứu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, có các biện pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm và giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, mở rộng diện giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất...

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội (sử dụng nhiều xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng).

Ông cũng khẳng định Chính phủ không quan niệm có gói kích cầu nhằm thực hiện bình ổn kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà trên đây gói giải pháp tổng hợp thực hiện đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết thêm, theo nghị quyết chuyên đề trên, gói hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tập trung chủ yếu vào thuế.

Theo đó không chỉ có miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với mức giảm đến 30% trong năm 2012 đối với các đối tượng doanh nghiệp quy định như nghị quyết 08, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trừ các ngành kinh doanh tài chính, bảo hiểm, sổ xố... còn có giải pháp về giãn thuế, giảm thuê đất.

Riêng giãn thuế giá trị gia tăng của tháng 4, 5, 6 với thời hạn lùi 6 tháng cho tất cả các đối tượng, giảm 50% tiền thuê đất của không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả doanh nghiệp thương mại và dịch vụ...

Theo bà Mai, nhóm giải pháp này sơ bộ tính tổng thể tác động về tài chính tới doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn khoảng 29.000 tỷ đồng...

Ngay trong chiều nay, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư 14 quy định về trần lãi suất cho vay bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên là 15% một năm. Theo đó, từ 8/5, lãi suất cho vay cao nhất với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 15% một năm.

Không để tái nguy cơ đổ vỡ ngân hàng

Đề cập phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói Chính phủ chủ trương sẽ điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô ổn định, chủ động, không để xảy ra thực trạng một vài năm quay lại tình trạng thường trực nguy cơ đổ vỡ ngân hàng, lạm phát lên cao.

Tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp tục bám sát các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 9%, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6%) và bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện lộ trình hạ lãi suất theo xu hướng giảm dần của lạm phát; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng lưu ý khẩn trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng; thực hiện hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu; khoanh nợ.

Mỗi bộ không quá 4 thứ trưởng?

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Vũ Đức Đam xác nhận Chính phủ vừa ban hành văn bản quy định liên quan tổ chức nhân sự cấp bộ, theo đó quy định mỗi bộ có không quá 4 thứ trưởng. Tuy nhiên ông cho hay quy định về số lượng thứ trưởng nhằm để làm khung cho các bộ, ngành tham khảo.

Do yêu cầu sắp xếp cơ cấu bộ máy tổ chức, nhiều bộ đa ngành được sáp nhập khiến số lượng thứ trưởng nhiều hơn trước đây. Tùy từng trường hợp cụ thể Chính phủ sẽ chỉ đạo giải quyết, sao cho hoạt động của các bộ ngành có chất lượng tốt hơn, không bị ảnh hưởng vì tăng giảm số lượng thứ trưởng.

Linh Thư