- Góp ý việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 tới, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng Chính phủ nên báo cáo các đại biểu vụ việc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

“Đây là một vụ việc nóng, được nhân dân cả nước và dư luận ngoài nước hết sức quan tâm, liên quan đến vấn đề đất đai đang bức xúc”, ông Sơn thấy Chính phủ nên có báo cáo gửi các đại biểu để họ có thông tin.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chính phủ có thể báo cáo vấn đề này trong một chủ đề chung là việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, trong đó đất đai là vấn đề nổi lên.

Một vấn đề khác Thường vụ cho rằng các ĐB cũng muốn nghe Chính phủ báo cáo là tình hình bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, mà trọng tâm là vấn đề giao thông.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng tình rằng những vấn đề dân sinh đang bức xúc phải được Chính phủ báo cáo và để các đại biểu thảo luận, nêu ý kiến.

Thường vụ QH cũng muốn Chính phủ báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định đây là vấn đề người dân rất quan tâm, “kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng là chủ đề được đặt nhiều câu hỏi”.

Theo ông Hiện, báo cáo thời điểm này là hợp lý khi QH cũng đang tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tại kỳ họp QH sắp khai mạc, dự án luật Biển Việt Nam dự kiến được cho ý kiến vào ngày 19/6 và biểu quyết ngày 21/6.

Việc xem xét vấn đề nhân sự của QH dự kiến được bố trí trong một buổi sáng thứ 7 ngày 26/5. Có ý kiến cho rằng bà Đặng Thị Hoàng Yến nên được tạo điều kiện phát biểu ý kiến tại buổi làm việc này. Chiều nay (5/5), UB Thường vụ QH có buổi làm việc nội bộ về tư cách đại biểu của bà Yến.

Thường vụ QH cũng muốn nghe Chính phủ báo cáo về gói giải pháp giải cứu doanh nghiệp dự kiến được đưa ra trong vài ngày tới.

Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/5 cho hay một nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, có các biện pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn. 

Những vấn đề này, dù thuộc thẩm quyền ra nghị quyết của QH hay không thì Chính phủ cũng phải báo cáo để các đại biểu biết thông tin, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Không đủ tín nhiệm, người giới thiệu có trách nhiệm?

Góp ý với đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, Chủ nhiệm UB Pháp lụât Phan Trung Lý băn khoăn với những người không đủ phiếu tín nhiệm, người giới thiệu có phải chịu trách nhiệm.

“Qua bỏ phiếu tín nhiệm nếu có vị không đạt được đủ tín nhiệm, cá nhân hoặc cơ quan giới thiệu vị đó cũng cần phải được xem xét trách nhiệm về công tác nhân sự”, ông Lý nói.

Theo dự thảo đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức.

Tuy nhiên ông Lý thấy chưa rõ về cơ sở pháp lý của quy định “hai lần liên tiếp”: “Nếu một lần bỏ phiếu đã không đủ tín nhiệm một cách nghiêm trọng, chẳng nhẽ phải chờ một năm nữa mới xử lý?”

Cũng với điểm này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, lại thấy hơi cứng nhắc.

“Những vị không đạt tín nhiệm cao có thể do lý do chủ quan hoặc khách quan, công tác nhân sự cũng phức tạp, qua nhiều khâu, liên quan đến các cơ quan đảng, nhà nước, không nên quy định cứng nhắc cứ không đủ tín nhiệm là miễn nhiệm hoặc từ chức”, bà Mai nói. “Nên trình QH xem xét từng trường hợp cụ thể”.

Theo đề án, UB Thường vụ QH được giao xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm nay.

Chung Hoàng