- Sự trở lại của Vladimir Putin hôm nay với chiếc ghế tổng thống về lý thuyết sẽ mang lại cho ông quyền lực lớn hơn khi ông làm thủ tướng.

Bản thân Putin đã tự thấy ông sẽ làm lãnh đạo ở một đất nước đã thay đổi.

Áp lực đè nặng lên ông Putin bắt đầu từ nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 khi hàng loạt cuộc biểu tình quy mô chưa từng có ở Moscow.

Đáp trả người biểu tình, Kremlin đã cho phép thêm nhiều đảng phái chính trị cạnh tranh trong các cuộc bầu cử tương lai. Thậm chí, một số thành viên trong quốc hội trở nên sẵn sàng thách thức với chính Kremlin.

Ảnh: AP

Không kém phần quan trọng, phong trào biểu tình đã đánh thức một thế hệ người Nga mới khỏi những thờ ơ chính trị và sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị địa phương.

Trong suốt bốn năm qua, sự hiện diện của vị tổng thống trẻ tuổi và tương đối tự do - Dmitry Medvedev - đã cho phép người dân hy vọng những thay đổi. Medvedev cam kết chống tham nhũng, khiến cho tòa án trở nên độc lập hơn và hiện đại hóa nền kinh tế.

Vào tháng 9, khi Medvedev tuyên bố sẽ bước sang một bên để Putin trở lại nắm quyền tổng thống, nhiều người Nga cảm thấy bị xúc phạm vì cho rằng, lá phiếu bầu của họ chỉ được coi là hình thức. Hai tháng sau đó, ông Putin được chào đón bởi những tiếng la ó tại một đấu trường ở Moscow, bởi những chỉ trích chưa từng có trong tiền lệ mà một vị lãnh đạo đối lập mô tả là “sự chấm dứt của một kỷ nguyên”.

Nỗi tức giận, sự bất mãn bùng nổ trên đường phố sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 12 mà thắng lợi thuộc về đảng của ông Putin khiến rất nhiều người dân cho rằng, có gian lận trong bầu cử.

Putin dường như “sốc” bởi sự bất mãn bất ngờ bùng nổ, nhưng ông nhanh chóng trở lại. Ông mô tả những người lãnh đạo biểu tình là công cụ của người Mỹ và có ý định đưa nước Nga trở lại sự bất ổn, yếm thế của những năm 1990. Có những người đã tin ông là người duy nhất có khả năng dẫn dắt đất nước, họ không thấy ai có thể tay thế và tin là nước Nga cần một bàn tay mạnh mẽ.

Sau khi nắm quyền vào năm 2000, ông Putin đã bác bỏ hệ thống bầu cử thống đốc, khiến cho các thống đốc trở nên phụ thuộc vào Kremlin. Tuy nhiên, ông Putin đã nhất trí khôi phục lại bầu cử thống đốc trực tiếp, mặc dù điều khoản trong luật lệ mới làm dấy lên quan ngại rằng, ông vẫn sẽ có thể định đoạt ai là người nắm giữ vị trí ấy.

Ông cũng đồng ý tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đảng phái chính trị đối lập tham gia các cuộc bầu cử. Đây là cơ hội cũng như là thách thức với phía đối lập. Trong khi đó, phe đối lập đã hướng sự chú ý của mình vào các cuộc bầu cử ở thành thị, và có thể tuyên bố ít nhiều thành công. Cuộc cạnh tranh trong bầu chọn thống đốc vẫn còn ở phía trước.

Đối với ông Putin, thách thức là ở chỗ làm sao để những nhượng bộ đủ để tạo ra các thay đổi dần dần, chế ngự những bất mãn xã hội trong khi vẫn duy trì sự kiểm soát. Và đây có thể là sự cân bằng rất khó khăn.

Về bề ngoài, không có quá nhiều thay đổi ở Nga. Nhiều người cho rằng, ông Putin - người năm nay sẽ bước sang tuổi 60, sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư để nắm giữ ghế tổng thống tới tận năm 2024.

Nhưng, xã hội Nga đã thay đổi, và tương lai đất nước ấy sẽ khó đoán biết hơn rất nhiều những sự kiện chỉ vừa xảy ra vài tháng trước đây.

Thái An (theo AP, Salt Lake Tribune)