Khai mạc hội nghị TƯ 5, Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ vì sao tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, gần 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai.
Sáng 7/5, Hội nghị lần thứ 5, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Hội nghị lần
này bàn một số nội dung quan trọng, gồm Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm
1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung; Tổng kết việc thực hiện
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất
đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Sơ kết 5 năm
thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Xem xét, quyết định một số vấn
đề về chính sách xã hội, tiền lương giai đoạn 2012-2020; và một số vấn đề quan
trọng khác.
Tổng Bí thư: Cần nhận dạng cho đúng những biểu hiện nổi bật của tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên... Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Tổng Bí thư biểu dương những nỗ lực phấn đấu to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đưa Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, bước đầu kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành nhiều mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và độc lập, chủ quyền quốc gia.
Bốn tháng đầu năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản... nhưng kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực.
Lạm phát và lãi suất đều giảm; tính thanh khoản của hệ thống các ngân hàng thương mại được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Dự trữ ngoại hối tăng nhanh, tỷ giá giữ được ổn định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, trong đó giải ngân vốn FDI, ODA đạt khá. Sản xuất, kinh doanh vẫn có tăng trưởng. Hoạt động du lịch khá sôi động, lượng khách quốc tế tăng mạnh. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết...
Hiến pháp: chỉ sửa những vấn
đề thực sự cần thiết
Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là
công việc rất hệ trọng, vì Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng
điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, có tính nền tảng, thể hiện bản
chất của nhà nước và chế độ; là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp
lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và
chủ quyền quốc gia.
Việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải bám sát những tư tưởng
chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 2, có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện
chứng, cụ thể, lịch sử; bám sát vào thực tế thi hành các quy định của Hiến pháp
và các yêu cầu của tình hình mới. Tập trung đánh giá, khẳng định những kết quả
nổi bật của Hiến pháp năm 1992 với vai trò là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới;
chỉ rõ những kết quả, mặt tích cực đã đạt được; những hạn chế, bất cập còn tồn
tại và nguyên nhân; những nội dung quy định của Hiến pháp năm 1992 không còn phù
hợp cần được bổ sung, sửa đổi; những nội dung Hiến pháp năm 1992 quy định đúng,
nhưng do tổ chức thực hiện chưa tốt cần chấn chỉnh trong khâu tổ chức thực hiện.
Các đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tế
20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy
đủ mục đích, yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội lần
thứ XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các
bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp. Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự
cần thiết, được thực tiễn chứng minh là đúng, đã chín muồi, có đủ cơ sở và được
sự thống nhất cao.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận kỹ từng đề xuất sửa đổi, bổ
sung cụ thể, đặc biệt là những vấn đề còn có ý kiến khác như nêu trong Tờ trình.
Nhận dạng tham nhũng
Tổng Bí thư nhấn mạnh đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô
cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc
sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử
dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Tổng kết thực hiện Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về đất đai lần này là một yêu cầu bức thiết nhằm
thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật
về đất đai, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng
đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo
nguồn lực và động lực mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ
vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, hết sức phức tạp, có nhiều ý kiến
khác nhau. Khi đánh giá tình hình và nguyên nhân, cần nắm vững các quan điểm và
nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của
Nhà nước để phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ
trương, chính sách, biện pháp nêu trong Nghị quyết và pháp luật về đất đai; chỉ
rõ nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể
chế hóa đúng, điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của
Nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc?
Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào?... Những chủ trương, chính sách
gì cần sửa đổi, điều chỉnh?...
Cùng với việc khẳng định những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã
đạt được trong gần 10 năm qua, cần nêu rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân,
tập trung làm rõ vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành
nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? Vì sao ở
nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan
đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc
về lĩnh vực đất đai?... Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn
thiện luật pháp, chính sách đất đai, góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế;
huy động tốt nhất nguồn lực từ đất đai để phát triển đất nước; bảo đảm cho thị
trường bất động sản (trong đó có quyền sử dụng đất) phát triển lành mạnh; ngăn
chặn tình trạng đầu cơ, tham nhũng, sử dụng lãng phí đất đai.
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề nhức
nhối, gây bức xúc trong nhân dân và gắn trực tiếp với việc thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay".
Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí; đã tiến hành nhiều biện pháp liên tục, nhưng đến nay công tác
phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Tổng Bí thư chỉ rõ cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá một cách
khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình tham nhũng, lãng phí và kết quả của
công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nhận dạng cho đúng những biểu hiện
nổi bật của tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực chủ yếu như đất đai, tài
nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công, quản
lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước, hoạt
động tín dụng, ngân hàng, công tác tổ chức, cán bộ...
Cần phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, khẳng định những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là những nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân chủ quan gây ra tệ tham nhũng, lãng phí và dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó; trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiều nghị quyết khác của Trung ương trong thời gian tới.
Khắc phục bất hợp lý về lương
Về một số chính sách xã hội và tiền lương giai đoạn 2012-2020, Tổng Bí thư nhấn
mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa tăng
trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách,
từng bước đi là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần làm nên những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới, được nhân dân hoan
nghênh và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, là một nước nghèo, lại trải qua nhiều năm chiến tranh chống ngoại
xâm, thường xuyên phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh, Việt Nam đã và sẽ còn
phải đương đầu với nhiều vấn đề xã hội bức xúc; ở nhiều nơi đời sống vật chất và
tinh thần của một bộ phận nhân dân còn hết sức khó khăn. Vì vậy, sẽ có ý nghĩa
chính trị, kinh tế và xã hội hết sức to lớn nếu như tại Hội nghị lần này, Trung
ương bàn và ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số chính sách xã hội giai đoạn
từ nay đến năm 2020, mà trọng tâm là chính sách ưu đãi đối với người có công và
bảo đảm an sinh xã hội, với những nội dung chủ yếu là bảo đảm việc làm, thu
nhập, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở, trợ giúp xã hội và bảo
đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.
Đối với Đề án một số vấn đề về
tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, Tổng Bí thư đề nghị
Trung ương cho ý kiến chỉ đạo về một số vấn đề cấp bách cần và có thể điều chỉnh
ngay trong năm 2012, 2013, như điều chỉnh lương đối với đội ngũ cán bộ, công
chức, lực lượng vũ trang và lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước; đẩy
mạnh việc đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần Kết luận Hội
nghị Trung ương 6 khóa X; khắc phục những bất hợp lý về tiền lương và thu nhập
của cán bộ lãnh đạo, quản lý và của người lao động trong các doanh nghiệp nhà
nước; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, lương hưu và bảo hiểm xã hội; xem
xét trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội...; đồng thời trao đổi,
thống nhất về chủ trương, định hướng cho việc nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng
trình Hội nghị Trung ương 7 (dự kiến họp tháng 5/2013) Đề án tổng thể cải cách
cơ bản chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công đến
năm 2020 cùng các đề án khác có liên quan; xác định những quan điểm, nguyên tắc
và định hướng cải cách cơ bản chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp
ưu đãi người có công; chú trọng các chính sách, biện pháp tích cực tạo nguồn,
khắc phục tình trạng lâu nay nhiều đề xuất hay nhưng không khả thi do thiếu
nguồn; cần gắn cải cách tiền lương thực chất và đồng bộ hơn với cải cách hành
chính, tinh giản bộ máy, biên chế; tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, đơn vị
sự nghiệp công, doanh nghiệp nhà nước...
Tổng Bí thư nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này đều là
những vấn đề rất khó, phức tạp, nhạy cảm và rất quan trọng đối với sự phát triển
bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ tiếp theo
và về lâu dài; đồng thời đề nghị Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm,
tập trung thảo luận kỹ, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét,
quyết định vào cuối kỳ họp.
Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 15/5.
Theo TTXVN