- Ngay sau ngày 15/5, ngày bàn giao quyền lực giữa ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande, người cầm quyền tối cao mới của Pháp, ông Hollande sẽ gặp riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel. Và những chuyến đi kế tiếp sẽ đến không ngừng.


Mơ ước đã trở thành viển vông. Hy vọng của bà Valérie Trierweiler-Massonneau, người sống chung với François Hollande sẽ không thành.

Sau ngày ông Hollande đắc cử, phát biểu trước vài nhà báo, bà ước mong: "Chúng tôi muốn sẽ có vài ngày riêng tư, ở đâu đó, nghỉ ngơi với gia đình, không mít tinh, không phỏng vấn...". Nhưng, tình hình thời sự đã quyết định cách khác. Hy Lạp không còn chính phủ và nền kinh tế tài chính của thành viên Liên minh châu Âu (EU) này ngày càng suy thoái trầm trọng. Những khoảnh khắc bình yên chỉ kéo dài được vài giờ...

Nếu ai chịu khó đọc cương lĩnh chính trị và hành động của (cựu) ứng viên Hollande sẽ nhận thấy rằng các vấn đề nội bộ của Pháp được quan tâm đến 90%, EU 8% và 2% cho thế giới còn lại một cách chung chung. Thế nghĩa là thế nào? Ông Hollande và cánh trung tả, cánh tả không quan tâm đến những vấn đề quốc tế chăng? Sự thực phức tạp hơn nhiều.

Ông François Hollande . Ảnh: Telegraph

Thu nhỏ tối đa các câu hỏi quốc tế trong cương lĩnh của ông Hollande là một chiến lược bầu cử. Chủ yếu để giảm nhẹ tâm trạng khủng hoảng của dân Pháp trước những bất ổn, lo lắng trong cuộc sống hàng ngày như về thất nghiệp... Nhưng, các bài toán đối ngoại vẫn tồn tại và in hình sau lưng của cương lĩnh này, nếu nó được áp dụng như đã hứa hẹn. Có điều là các bài toán đối ngoại đó và các giải pháp - nếu có - sẽ phục vụ và dành cho chính trị bên trong nước Pháp. Đây là sự tuyệt giao rõ, có thể là tạm thời, so với đường lối chính trị ngoại giao của nhiệm kỳ của ông Nicolas Sarkozy. Cùng lúc, với một tầm nhìn xa hơn, đây cũng là sự tuyệt giao đối với truyền thống "chủ nghĩa can thiệp" của Pháp, đặc biệt ở châu Phi.

Tân Tổng thống sẽ làm được gì trên bàn cờ quốc tế? Giữa muốn và (khả năng) làm được, quãng đường lắm khi rất xa. Muốn biết rõ hơn, các nhà quan sát sẽ phải chờ đến sau bầu cử quốc hội Pháp vào giữa tháng 6. Vấn đề quan trọng cho ông Hollande là cánh tả sẽ đạt được tỉ lệ đa số cao ở quốc hội hay không. Đây là chính là khởi điểm - thật sự - các hành động của tân Tổng thống. Trong khi chờ đợi, ông sẽ phải đối đầu tức khắc với sự suy thoái kinh tế tài chính của EU và tham gia một chuỗi hội nghị thượng đỉnh: EU, G8, NATO, G20... Những hội nghị mà Mỹ chiếm vai trò quyết định...

EU: giải pháp nào cho khủng hoảng?

Văn phòng của ông Hollande vừa thông báo là ông sẽ "ăn tối" ngày 15/5 với Thủ tướng Đức Angela Merkel, sau buổi lễ bàn giao quyền lực và công bố danh sách chính phủ mới ở Paris buổi sáng cùng ngày. Ăn tối và trao đổi riêng trước buổi gặp gỡ chính thức ngày 16/5 ở Berlin. Đàm phán song phương Pháp - Đức này sẽ là tiền trạm cho một cuộc họp "bán kín" trước lề hội nghị thượng đỉnh EU.

Món Pháp, món Đức, món ăn nào ngon hơn? Chưa ai có thể khẳng định 100%. Vấn đề là tùy khẩu vị. Trong "thực đơn" sắp tới: hiệp ước châu Âu, các "bệnh" của đồng euro, phát triển kinh tế, vai trò chính trị và hành động của "chính phủ" liên minh, giải pháp cho khủng hoảng kinh tế và tài chính của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nói riêng và của cả EU nói chung, thỏa thuận thị thực Schengen v.v... Với nhiều món "nặng nề" như vậy, khách ăn sẽ có rất nhiều khả năng bị khó tiêu hoặc bội thực.

Đức và Pháp là 2 sáng lập viên lịch sử đồng thời là 2 quốc gia mạnh nhất nhì về kinh tế của EU. Đức và Thụy Điển đã bắt đầu cân bằng lại ngân sách công và đặt một chân ra khỏi suy thoái kinh tế nhờ sự hy sinh của cộng đồng, như giảm lương, giảm bảo trợ xã hội, hạn chế đầu tư công. Từ chính phủ cho đến người dân, ai cũng thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu.

Ngược lại, nước Pháp của François Hollande cùng Tây Ban Nha và các nước Nam Âu đã chọn phương pháp phát triển dựa trên sinh lợi, trên sản phẩm, nợ công, dựa trên đồng lương cao, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, bảo đảm đời sống xã hội. Từ đó phát sinh ra sức mạnh tiêu dùng và sau đó, sự giàu có. Đây là lý thuyết kinh tế đặc thù của cánh tả châu Âu. Ông Hollande đắc cử một phần lớn nhờ vào chính sách này trong cương lĩnh tranh cử.

Nhưng Tổng thống François Hollande sẽ có khả năng lớn không áp dụng được phương pháp của mình để đưa nước Pháp ra khỏi suy thoái. Hai lý do chính: nợ công quá nặng nề (1.700 tỉ euro) và thị trường kinh tế tài chính quốc tế, từ lâu, đã trở thành siêu quốc gia.

Nói tóm lại, phương án chiến lược Bắc Âu không thể áp dụng được cho tất cả các nước EU. Liều thuốc có thể giết chết người bệnh. Vì vậy François Hollande sẽ "tranh đấu" để sửa đổi hiệp ước này: từ tính chất "bắt buộc" sang "lựa chọn". Để biết kết quả của trận đấu Pháp-Đức: hẹn cuối tháng 6!

Mỹ: François Hollande là ai vậy?

Đại đa số chính giới ở Washington và 99,9% dân Mỹ không biết ông François Hollande là ai! Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đạt được "tiếng tăm" ở Mỹ và trở thành người "bạn" thân thiết với cường quốc số 1 thế giới nhờ những hoạt động và hiện diện của ông trên chính trường quốc tế: nối lại quan hệ giữa Pháp và NATO, tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan, Libya...

Còn François Hollande thì chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ với tư cách chính trị gia. Trao đổi với VietNamNet, GS. Steve Ekovich, Đại học Mỹ tại Paris bình luận: "François Hollande là người hoàn toàn xa lạ đối với chính giới của Mỹ, đừng nói tới người dân Mỹ bình thường... Không ai biết ông là ai! Vì thế, ông sẽ không có nhiều yếu tố thuận lợi trong quan hệ với Mỹ, ít nhất trong thời gian đầu...".

Với những chuyến đi đầu tiên ở Mỹ, ông François Hollande có khả năng trở thành "không thân thiện" nhiều hơn với đất Mỹ. Tổng thống Pháp sẽ công bố chính thức: "Quân đội Pháp sẽ rời Afghanistan cuối năm 2012!". Sớm hơn một năm so với dự định của ông Nicolas Sarkozy. Ngoài ra, "nhãn hiệu" chính trị của ông Hollande sẽ đặt Tổng thống Barack Obama vào một vị trí tế nhị trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sắp tới. Chủ yếu, đối với đối thủ của phe "cộng hòa".

Gặp gỡ ở quảng trường Bastille, nơi những người ủng hộ cánh tả mừng ông François Hollande đắc cử, một phóng viên Mỹ thở dài: "Barack Obama vừa có một đồng minh thật lộm cộm, cồng kềnh!".

Võ Trung Dung (từ Paris)