- Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội, "bật đèn xanh" thì sẽ đảm bảo cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực tiễn hoạt động Quốc hội một cách thực chất.

VietNamNet trò chuyện với ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH khóa XI, XII, về việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như dự thảo đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội" đưa ra.

Gỡ bế tắc

Theo ông Thuyết, cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong Hiến pháp và luật Tổ chức Quốc hội từ cách đây 10 năm gần như bế tắc trong triển khai. Cho đến nay, chưa từng có trường hợp nào đề nghị của ĐBQH về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện.

Lý giải điều này, ông cho rằng đó là do dích dắc về "cơ chế nhân sự": Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng công tác nhân sự do Đảng phụ trách nên việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu các cơ quan của Nhà nước phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc BCH Trung ương Đảng có ý kiến trước khi Quốc hội xem xét.

  Ông Nguyễn Minh Thuyết: Bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm tạo cơ chế mới để sàng lọc bộ máy lãnh đạo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo cơ chế này, ngay cả những quy định có tính khả thi cao như bỏ phiếu tín nhiệm theo kiến nghị của UB TƯ MTTQ VN hoặc của Ủy ban Thường vụ, Hội đồng Dân tộc, UB chuyên môn của Quốc hội cũng khó thực hiện. Còn việc đòi hỏi có ít nhất 20% tổng số ĐBQH (tương ứng khoảng 100 ĐB) kiến nghị Quốc hội mới bàn chuyện bỏ phiếu tín nhiệm càng không có tính khả thi. "Làm sao tự nhiên có được 20% ĐBQH cùng nêu kiến nghị đó? Ở Quốc hội có trên 90% ĐB là đảng viên. Ai có thể đi vận động để thu thập đủ chữ ký 100 đại biểu ủng hộ kiến nghị này?" - ông Thuyết nêu câu hỏi.

Trong tình hình đó, theo ông Thuyết, đề xuất hàng năm bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét miễn nhiệm sẽ tháo gỡ bế tắc hiện nay.

Theo ông, liệu các nội dung như trong đề án đang được thảo luận có “vênh” với cách vận hành hệ thống chính trị hiện nay không?

Ở các nước theo cơ chế tam quyền phân lập thì ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp giám sát lẫn nhau theo quy định của hiến pháp, pháp luật. Ở ta, ba nhánh này hoạt động theo cơ chế phân công - phối hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đề án của UB Thường vụ Quốc hội không có gì là không tương thích với cách vận hành của hệ thống này. Nó chỉ khác cách làm hiện nay ở chỗ Đảng không quyết định trước rồi đưa ra Quốc hội thực hiện mà lấy ý kiến của Quốc hội trước, trên cơ sở đó cơ quan có trách nhiệm của Đảng mới xem xét và đưa trở lại Quốc hội biểu quyết theo luật định.

Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội, “bật đèn xanh” thì sẽ đảm bảo cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm sẽ đi vào thực tiễn hoạt động Quốc hội một cách thực chất.

Thận trọng quá, việc không chạy

Ông nghĩ như thế nào về quy định bỏ phiếu tín nhiệm 2 lần mà không đạt quá bán mới đề nghị miễn nhiệm? Theo ông biết, có nghị viện nào trên thế giới quy định tương tự?

Quả thực, tôi chưa thấy có nghị viện nào trên thế giới quy định bỏ phiếu tín nhiệm đến hai lần không đạt quá bán mới bị xem xét miễn nhiệm. Ở nhiều nước, chỉ cần có ý kiến ĐBQH đề nghị bỏ phiếu (bất) tín nhiệm là Quốc hội đã phải xem xét rồi. Và khi đa số ĐBQH chấp nhận bỏ phiếu tức là đã “có vấn đề”; người được đưa ra để bỏ không được quá nửa số ĐBQH tín nhiệm thì chắc chắn phải nghỉ.

Ở nước ta, theo đề án của Thường vụ Quốc hội, việc bỏ phiếu được tiến hành hàng năm, áp dụng cho tất cả cách chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, chứ không phải bỏ phiếu theo đề xuất của một ĐBQH hay nhóm ĐBQH nào. Vì vậy, có thể coi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm năm đầu là lời nhắc nhở, đến lần bỏ phiếu thứ hai không đạt yêu cầu mới xem xét việc miễn nhiệm. 

Có vẻ việc miễn nhiệm một bộ trưởng ở ta rất phức tạp, phải qua nhiều "vòng" xem xét. Điều này có gì hay và chưa hay, theo ông?

Cái hay là đảm bảo thận trọng, không miễn nhiệm oan. Nhưng không hay ở chỗ công việc sẽ không chạy. Ở nhiều nước, nhận chức vụ được vài tháng, loạng choạng một cái là phải nghỉ liền. Trong khi thế giới tiến như vũ bão, thời gian tính bằng tháng, bằng ngày mà mình chờ 1-2 năm mới thay được người thì mình chậm bước hơn người ta rồi.

Bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là vấn đề thuần túy pháp lý. Đối với một người lãnh đạo, năng lực và phẩm chất còn thể hiện ở chỗ anh biết tiến, biết thoái, biết từ chức trong những thời điểm thích hợp bằng tất cả trách nhiệm cao nhất của mình đối với công việc chung, hay như ta vẫn nói đó là văn hóa chính trị. Ông có nghĩ điều này đáng đề cao hơn chuyện lãnh đạo không chủ động, để đến lúc bị đưa ra đánh giá tín nhiệm mới miễn cưỡng rời chức vụ?

Hai việc từ chức (từ nhiệm) và cách chức (miễn nhiệm) có quan hệ với nhau. Ở nước ngoài, một người có khuyết điểm lớn hoặc phải chịu trách nhiệm về một khuyết điểm lớn trong công việc của ngành mình nếu không từ chức thì trước sau cũng bị cách chức. Bộ trưởng chọn giải pháp từ chức là chọn con đường nhẹ nhàng hơn cho cả Quốc hội và cho bản thân mình. Từ chức thể hiện văn hóa chính trị cao, đồng thời nó cũng là kết quả sức ép cơ chế miễn nhiệm của Quốc hội.

Văn hoá chính trị không chỉ phụ thuộc vào nhận thức và lòng tự trọng của người giữ chức vụ trong bộ máy mà còn là đòi hỏi của công việc. Ví dụ, chỉ cần một đoàn tàu bị lật thì ông bộ trưởng giao thông phải từ chức, dù ai cũng biết lỗi là của người lái tàu hay của người điều hành một cung đường nhỏ, trong khi ông bộ trưởng là lãnh đạo cấp cao, không phụ trách từng cung đường, từng đoàn tàu cụ thể. Nhưng ông có mất chức thì người kế nhiệm ông và những người cầm quyền nói chung mới chú ý chỉ đạo công tác tuyển dụng nhân sự, kiểm tra, thanh tra, xử lý thật tốt để không xảy ra tai nạn, không làm hỏng việc. 

Ở nhiều nước, một người trong đời làm chính trị có thể lên xuống rất nhiều lần và người ta coi đó là việc bình thường.

Ở nước ta bây giờ, tự nguyện từ chức là chuyện hiếm, một phần vì chức vụ gắn với nhiều lợi ích quá, một phần nữa vì tâm lý xã hội về chuyện mất chức cũng nặng nề, và vì đã rời khỏi chức vụ là không còn cơ hội làm lại. 

Nếu tổ chức cũng nương nhẹ và không có cơ chế tạo sức ép để đảm bảo bộ máy nhân sự luôn được vận hành trơn tru, luôn chọn được người thích hợp cho công việc thì công việc chung rất khó đạt hiệu quả cao, đất nước khó phát triển. Thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm chính là cách đảm bảo quyền giám sát của Quốc hội, đồng thời tạo cơ chế mới để sàng lọc bộ máy lãnh đạo.

Xuân Linh