Sau cả tháng bế tắc giữa Trung Quốc với Philippines xung quanh việc tranh chấp một bãi cạn ở Biển Đông, Bắc Kinh cho tới nay vẫn chưa điều tàu chiến từ lực lượng hải quân đang ngày một hùng mạnh của họ.

Điều này có vẻ mâu thuẫn trong bối cảnh Trung Quốc ngày một quả quyết hơn trong khẳng định chủ quyền, ngày một đầu tư mạnh tay hơn cho quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân.

Tàu Trung Quốc ở bãi đá ngầm Scarborough. Ảnh: asiaone
Thay vào đó, Trung Quốc đã triển khai các tàu tuần tra đến từ hạm đội bán quân sự tới bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Các chuyên gia hải quân cho rằng, mục đích của họ là giảm thiểu nguy cơ xung đột có thể gây phản ứng dữ dội trong khu vực.

Sau khi cảnh báo một số láng giềng trong vài năm gần đây bằng cách hành xử quả quyết ở Biển Đông, Trung Quốc đã trở lại đường lối ngoại giao "mềm", sử dụng tàu tuần tra không vũ trang hoặc trang bị vũ khí hạng nhẹ từ các cơ quan ngư nghiệp, hải giám và lực lượng dân sự khác hơn là tàu chiến.

Thẩm Định Lực, một chuyên gia an ninh tại đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho biết, vai trò của các tàu này là chứng minh "sức mạnh mềm" và tránh tạo ra ấn tượng rằng, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ngoại giao pháo hạm.

Tuy vậy, Bắc Kinh không có dấu hiệu nào của sự thoả hiệp trong cuộc đụng độ với Philippines. Vụ việc bắt đầu khi tàu tuần tra dân sự Trung Quốc tháng trước đã ngăn chặn không cho lực lượng Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc ở khu vực tranh chấp. Theo các nhà phân tích an ninh, những vụ tương tự có thể xảy ra thêm nữa trừ phi Manila có một đối trọng ngang ngửa (hoặc của chính họ hoặc với các đồng minh).

Việc chồng lấn trong tuyên bố chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông với các tàu tuần tra, tàu cá của mỗi bên được triển khai trong khu vực làm gia tăng nguy cơ đối đầu gay gắt. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin cho rằng, họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Philippines. Nhưng báo quân đội Trung Quốc đã cảnh báo Manila rằng, họ đang "sai lầm nghiêm trọng" khi duy trì tuyên bố chủ quyền.

Manila đã kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS). Biển Đông là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng cũng như rất giàu tài nguyên. Một nửa số tàu buôn của thế giới đi qua đây với giá trị 5 nghìn tỉ USD thương mại mỗi năm.

Trong khi cho đến nay, Bắc Kinh vẫn giữ hải quân ở khoảng cách xa, thì Philippines và một số nước khác đều nhận thức rõ rằng, họ sẽ bị lực lượng quân sự hùng mạnh của Trung Quốc áp đảo nếu chiến tranh xảy ra. Sau hơn hai thập niên gia tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số, Trung Quốc đang sở hữu một hạm đội hiện đại gồm tàu chiến, tàu ngầm - giờ đây là lớn nhất ở châu Á - và các máy bay tấn công tầm xa.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh phải viện tới vũ lực, thì hầu như họ đã khiến các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông xích lại gần nhau hơn. Khu vực cũng đang có xu thế tiến tới mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ. Bắt đầu chuyến công du vào cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chiến lược "xoay trục" hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động trong nỗ lực trấn an các đồng minh của Mỹ trước sự trỗi dậy về kinh tế, quân sự Trung Quốc.

Phô tàu dân sự, giữ hỏa lực quân sự

Theo các chuyên gia an ninh, điều đó có nghĩa là, Trung Quốc dường như sẽ tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ với các tàu tuần tra dân sự trong khi "dự trữ" hoả lực thật sự của họ. "Sẽ dễ dàng hơn nhiều với các tàu bán quân sự để vừa khẳng định chủ quyền, lại vừa giảm nguy cơ leo thang bạo lực vũ trang", Christian Le Miere, một nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London nói. "Nó cho phép các sự kiện, các vụ việc được kiềm chế hơn".

Một số quốc gia châu Á khác cũng đang mở rộng những hạm đội bán quân sự trong các năm gần đây, đặc biệt là Nhật Bản với lực lượng phòng vệ bờ biển mạnh. Nhưng việc sử dụng các tàu bán quân sự của Trung Quốc lại thu hút chú ý nhiều nhất.

Dấu hiệu báo trước cho hiệu quả của chiến lược này là việc Trung Quốc "quấy nhiễu" tàu Impeccable của Mỹ đầu năm 2009 ở Biển Đông. Khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố, 5 tàu của Trung Quốc “đã lượn quanh và diễu hành một cách hiếu chiến ở ngay sát tàu Impeccable của Mỹ, trong nỗ lực nhằm quấy nhiễu tàu khảo sát đại dương của Mỹ, khi tàu này đang thực hiện hoạt động thường lệ ở vùng biển quốc tế”.

"Nếu Trung Quốc triển khai các tàu hải quân, thì phản ứng của Mỹ có thể quả quyết hơn nhiều", Le Miere cho biết.

Với Trung Quốc, việc dành nhiều tài nguyên hơn cho các lực lượng này sẽ lấp đi khoảng cách quan trọng trong sức mạnh hàng hải của họ giữa các đội thương thuyền đồ sộ với lực lượng hải quân đang mở rộng.

Các chuyên gia hàng hải Trung Quốc thì thúc giục chính quyền Bắc Kinh chú ý nhiều hơn tới những cơ quan dân sự chịu trách nhiệm thực thi luật pháp nội địa và duy trì trật tự trên biển. Những cơ quan Trung Quốc đã triển khai các tàu tuần tra ra Biển Đông và những khu vực duyên hải khác là: Tuần duyên, một lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban An toàn hàng hải phụ trách công tác tìm kiếm và cứu hộ ven biển; Cảnh sát ngư chính giám sát hoạt động đánh bắt cá; Cảnh sát hải quan ngăn chặn buôn lậu và Hải giám.

Ngoài ra, một số cơ quan nhỏ hơn gồm chính quyền tỉnh hay cảnh sát, hải quan địa phương cũng điều tàu tuần tra và giám sát ra biển.

Các tàu bán quân sự mà Trung Quốc điều ra bãi cạn tranh chấp với Philippines gồm Hải giám 75 và 84; tàu Chỉ huy Thực thi luật Ngư nghiệp FLEC - Ngư chính 310. Đây đều là những con tàu hàng hải được cho là hiện đại nhất, hùng mạnh nhất của Trung Quốc.

Một số chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài đã chỉ trích sự thiếu ăn ý giữa các lực lượng này. Thiếu tướng Lạc Nguyên của Trung Quốc hồi tháng 3 đã kêu gọi chính phủ thành lập lực lượng phòng vệ bờ biển thống nhất như của Nhật Bản, Mỹ và Nga. Ông này cho rằng, có quá nhiều cơ quan hiện nay chịu trách nhiệm thực thi pháp luật hàng hải đôi khi sẽ lãng phí và không hiệu quả. "Nếu Trung Quốc tích hợp các lực lượng này, có thể hành động hiệu quả và linh hoạt hơn khi sự cố hàng hải xảy ra", ông nói.

Giữa căng thẳng quanh bãi cạn Scarborough, tháng trước, Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng, Trung Quốc cần một “chính sách nhất quán” về Biển Đông nếu muốn giải quyết tranh chấp. ICG cảnh báo “do xung đột nhiệm vụ” và “thiếu phối hợp” giữa các cơ quan Trung Quốc đã làm dấy lên căng thẳng trong khu vực.

Thái An (theo Reuters)