- Đầu tuần này, tàu ngầm USS North Carolina đã khiến nhà chức trách Trung Quốc và Philippines có vẻ bất ngờ sau khi nổi lên ở vùng biển của Philippines và đậu trong vịnh Subic.

Đây là khu vực cảng kinh tế tự do ở tỉnh Zambales của Philippines.

Subic từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương, đóng cửa năm 1991 sau khi quốc hội quốc gia Đông Nam Á bỏ phiếu việc này. Chuyến đi không báo trước của USS North Carolina diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Scarborough - bãi cạn hình móng ngựa nằm ở ngoài khơi Zambales khoảng 124 hải lý.

Sự xuất hiện của tàu ngầm North Carolina mang tính biểu tượng về lịch sử và chiều dài của mối quan hệ quân sự giữa Philippines và Mỹ. 20 năm trước đây, Philippines là trung tâm chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Quyết định của nghị viện Philippines để chấm dứt sự hiện diện lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á đã thay đổi các toan tính quân sự, địa chiến lược với Mỹ, và ảnh hưởng đáng kể đến tầm quan trọng của Philippines đối với Mỹ. Kể từ đó, Guam thành tâm điểm và Mỹ có những căn cứ quân sự khác ở châu Á.



Căng thẳng gia tăng tại bãi cạn Scarborough đã nâng vị thế của Philippines lần nữa - kể cả việc là đối thủ tiềm năng của Trung Quốc trong khai thác tài nguyên khác sản ở khu vực, lẫn là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ.

Tranh chấp tại Scarborough chính là một phần của cuộc tranh chấp lớn hơn về việc ai thực sự “làm chủ” Biển Đông. Scarborough được người Philippines gọi là bãi cạn Panatag còn Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Trong khi chỉ cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý, thì Scarborough cách đảo Hải Nam (điểm đất liền gần bãi cạn nhất của Trung Quốc) tới 550 hải lý.

Vì thế khi tranh chấp xảy ra, người ta đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với khu vực này.

Đối đầu tàu chiến và trừng phạt

Vụ việc gây căng thẳng mới đây nhất về bãi cạn Scarborough bắt đầu hồi tháng 4 khi Hải quân Philippines thấy tám tàu cá Trung Quốc ở bãi cạn. Sau khi kiểm tra tàu, nhà chức trách Philippines đã phát hiện ra số lượng lớn các sinh vật hàng hải bị đánh bắt trái phép. Nhưng trước đó, hai tàu hải giám Trung Quốc đã tiếp cận và chặn ở giữa tàu Philippines cũng như tàu cá Trung Quốc.

Mặc dù các nỗ lực ngoại giao diễn ra giữa Bắc Kinh và Manila, nhưng ngày càng có nhiều tàu được cả hai chính phủ triển khai tới bãi cạn và đụng độ đi vào bế tắc.

Ngư dân của cả hai nước hoặc bị bắt giữ, hoặc khiển trách hoặc buộc phải tránh xa khu vực vào lúc này hay lúc khác. Có khoảng hơn 30 tàu Trung Quốc được đưa tin đóng tại bãi cạn Scarborough, bảy trong số đó là tàu đánh cá, hai là tàu hải giám và cả tàu trang bị vũ khí. Phía Philippines có hai tàu phòng vệ bờ biển.

Tổng thống Philippines Aquino đã thừa nhận rõ ràng rằng nước ông không theo kịp quân đội Trung Quốc và họ không tìm kiếm cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Mặc dù lời đảm bảo tránh bất kỳ hình thức xung đột nào liên tục được hai bên đưa ra, nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc, và quan hệ hai nước tiếp tục xấu đi. Trung Quốc bị cáo buộc ngăn cấm du lịch tới Philippines cũng như áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm hoa quả từ nước này. Thậm chí, một số nhà phân tích còn cho rằng, xung đột có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tranh chấp về Scarborough phát sinh từ những xung đột tuyên bố chủ quyền hàng hải và lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines trên cơ sở phát hiện cũng như chiếm giữ. Bắc Kinh giờ đây lập luận rằng, họ phát hiện ra đầu tiên và hoạch định bản đồ toàn bộ Biển Đông từ thời nhà Nguyên (1271-1368 SCN), và bản đồ được vẽ lại vào năm 1279 SCN bởi nhà thiên văn học Trung Quốc Guo Shoujing trong chuyến khảo sát các đảo xung quanh Trung Quốc.

Tương tự như vậy, Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi cạn với các dẫn chứng quan hệ lịch sử cho vùng lãnh thổ này, sớm nhất là Carta Hydrographical y Chorographics De Las Yslas Filipinas (hay “Bản đồ Thủy văn và Địa chí Quần đảo Philippines”). Xuất bản năm 1734, bản đồ của Velarde xác định bãi cạn là một phần của Zambales. Những cuộc thám hiểm sau này như cuộc khảo sát 1808 của Alejandro Malaspina cũng xác định tương tự đây là vùng lãnh thổ của Philippines.

(Còn tiếp)

Thái An (theo huffingtonpost)