Mỹ nhắc lại lời kêu gọi về một bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc pháp lý tại khu vực tranh chấp Biển Đông giữa lúc bế tắc Philippines - Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough chưa chấm dứt.
Mỹ đứng đâu trong cuộc đối đầu TQ-Philippines?
TQ triển khai 5 tàu chiến tới gần lãnh hải Philippines
Ảnh: middlebury |
Joseph Yun, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về An ninh Đông Á và Thái Bình Dương nói, điều này đã được Mỹ đề cập với các quan chức cấp cao ASEAN tại Manila khi cả hai thảo luận về những vấn đề hợp tác song phương và khu vực bao gồm cả an ninh hàng hải và Biển Đông.
Một bộ quy tắc hành xử giữa các quốc gia châu Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với vùng biển giàu tài nguyên sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng trong khu vực, Yun cho biết.
“Chúng tôi rất quan tâm và chờ đón ASEAN - Trung Quốc cùng làm việc về bộ quy tắc hành xử mà tôi nghĩ sẽ có ích cho tất cả mọi người” ông Yun - đại diện của Washington tham dự Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 25 nói với các phóng viên.
Theo phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, vụ đụng độ giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn không được thảo luận trong đối thoại nhưng ông Yun nhấn mạnh rằng, cả hai bên đều hy vọng cho một giải pháp hòa bình với bất kỳ tranh chấp nào và nhất trí làm việc với nhau hướng tới ổn định khu vực.
Trong quá khứ, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu khí giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đôi khi đã bùng nổ thành xung đột. Hiện tại, giới phân tích quan ngại rằng, nó có thể là "điểm hỏa" cho một xung đột khác ở châu Á.
Trung Quốc đưa ra khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông kể cả những khu vực sát cạnh bờ biển nước khác.
Mỹ không phải là một bên trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng tuyên bố rằng, họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo rằng, xung đột sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Washington cũng nhiều lần tuyên bố muốn đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã cảnh báo Mỹ nên tránh xa tranh chấp, nhấn mạnh đây là vấn đề châu Á và không nên có sự can thiệp của phía bên ngoài như Washington.
Năm 2002, một thỏa thuận được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền thực hiện sự kiềm chế và không có những hành động chiếm giữ mới ở khu vực tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, thỏa thuận này không mang tính ràng buộc và thiếu biện pháp trừng phạt áp dụng cho bên vi phạm. Vì thế, giới phân tích cho rằng, thỏa thuận ấy là vô ích trong khả năng chống lại các hành vi gây hấn, xâm lược.
Cuộc đụng độ giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough bắt đầu từ 10/4. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng lãnh thổ lớn nhất xảy ra ở Biển Đông trong những năm gần đây. Cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn. Scarborough được người Philippines gọi là bãi cạn Panatag còn Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Trong khi chỉ cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý, thì Scarborough cách đảo Hải Nam (điểm đất liền gần bãi cạn nhất của Trung Quốc) tới 550 hải lý.
Thái An (theo gmanetwork)