- Trong khi các ĐB nam hầu hết tán thành quy định nghỉ hưu ở 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ, nhiều ĐB nữ muốn điều khoản này trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được xem xét sao cho linh hoạt, hợp lý hơn.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), một nhà khoa học, luôn lên tiếng về câu chuyện nghỉ hưu, một lần nữa nhấn mạnh "quyền lao động phải bình đẳng, mọi người đều làm việc đều nghỉ như nhau, trừ những trường hợp các vùng lao động độc hại, nặng nhọc, vũ trang...". Bà An cho rằng có thể Quốc hội khóa này chưa thông qua, nhưng chắc chắn khóa sau, khóa sau nữa sẽ chứng kiến sự thay đổi và "lúc bấy giờ tuổi nghỉ sẽ như nhau".
ĐB Bùi Thị An |
"Bây giờ đội ngũ lao động nữ rất lớn, đào tạo được một người nam cũng như nữ rất khó khăn và tốn kém. Để những người phụ nữ đạt được trình độ quản lý, lãnh đạo, khoa học, kỹ thuật, bác sĩ, dược sĩ, công nhân lành nghề rất khó khăn, để nghỉ hưu ở tuổi như thế là rất lãng phí", bà An phân tích.
ĐB Hà Nội lấy dẫn chứng trong y tế, giáo dục, "vàng ròng" là những bác sĩ, dược sĩ giỏi, giáo viên, giảng viên có chất lượng, phải nghỉ hưu từ tuổi 55 - 60, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương, thiếu giáo viên ở các trường học. "Họ còn sức khỏe, trí tuệ, còn muốn cống hiến cho nghề nghiệp, nhưng không phải bác sĩ, dược sĩ nào cũng có điều kiện mở bệnh viện tư, mở xưởng chế thuốc, cũng như không phải giáo viên nào cũng có tiền mở trường tư thục".
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) còn chỉ ra một thiệt thòi của lao động nữ là "với quy định hiện hành 3 năm tăng một bậc lương, khi nữ về hưu trước 5 tuổi so với nam, họ mất cơ hội hưởng 2, 3 bậc lương cuối". Bà Minh cũng thấy "trong khi cả nam và nữ cùng tốt nghiệp đại học, nữ phải dành 10 năm thực hiện thiên chức của phụ nữ là chăm sóc và nuôi con nhỏ, nhưng đến tuổi 40 đã không còn cơ hội để thăng tiến do quy định về tuyển dụng, chuyển đổi, đào tạo quy hoạch hiện nay".
ĐB Ngô Thị Minh |
ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) thì cảnh báo nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). "Hiện có một bất cập là tuổi thọ tăng lên trong khi đó tuổi nghỉ hưu thấp, dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn mà thời gian nghỉ hưu và hưởng lương hưu dài", bà Phương nói. "Trung bình nam đóng BHXH 28 năm và hưởng lương hưu 18 năm, nữ đóng BHXH 23 năm và hưởng lương hưu 24,5 năm".
Phó đoàn ĐBQH Cần Thơ thấy cần nghiên cứu điều chỉnh ngay tuổi nghỉ hưu ở nhóm lao động trí óc để vừa đảm bảo quỹ BHXH, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.
Qua những phân tích đó, nhà khoa học Bùi Thị An "tha thiết mong Quốc hội xem lại một cách rất thực tiễn để có cơ sở phát triển bình đẳng giới thực sự", chứ bà không đồng tình với các điều khoản "ưu tiên nữ giới" như trong dự thảo luật.
Bà Ngô Thị Minh lưu ý các công ước quốc tế về chống phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam đã tham gia, cũng như kinh nghiệm của một số nước đã thực hiện bình đẳng độ tuổi về hưu như Ấn Độ, Philippines, Lào, Mỹ, Canada... "Tôi nghĩ rằng nếu vì lý do quỹ bảo hiểm, chúng ta có thể chọn tuổi nghỉ hưu bằng nhau của nam và nữ là 57, 58 và vẫn có ưu tiên cho các đối tượng lao động nặng nhọc và các đối tượng có nhu cầu về hưu sớm làm trong những điều kiện độc hại", bà Minh góp ý.
Tuy vậy, một số ĐB cho ý kiến không đồng tình với góc độ tiếp cận này. Cho rằng "nghỉ hưu là quyền chứ không phải thiệt thòi", ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thấy "vấn đề bảo hiểm chỉ bộc lộ ở khối cơ quan Nhà nước".
"Ở các doanh nghiệp nước ngoài, các thành phần kinh tế khác và đặc biệt người lao động phổ thông, qua trao đổi với cử tri, tôi thấy họ đều không muốn nâng tuổi nghỉ hưu, bởi đến năm 55 tuổi, nhiều lao động nữ, đặc biệt là lao động chân tay, đã quá nặng nề", ông Tâm nói.
ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cũng nhận định "việc cho rằng nâng tuổi hưu của nữ lên 60 là một trong những biện pháp làm giảm nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội chưa được chứng minh, chưa thuyết phục" và cho rằng việc nâng tuổi hưu "chỉ phù hợp với một nhóm nhỏ người lao động có điều kiện mà không phải là số đông".
Ông Thoáng còn nhấn mạnh: "Trong nền văn hóa Á Đông, trên vai người phụ nữ còn nhiều trách nhiệm thuộc riêng về giới không thể thay thế được".
Hầu hết ý kiến các ĐB đồng tình với phương án lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng nhằm tạo điều kiện cho việc nuôi con từ 0 đến 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) còn đề nghị nghiên cứu thêm điều khoản người chồng được nghỉ 1-2 tháng có lương để giúp đỡ vợ chăm sóc con nhỏ. |
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng