- Có bột mới gột nên hồ, đề án tổng thể tái cơ cấu cần tính toán chi phí. Hệ thống 12 giải pháp thì chung chung, không đột phá. Nhiều ĐBQH chê tơi tả đề án tại cuộc thảo luận chiều 24/5.


Chiều nay 24/5, các tổ đại biểu Quốc hội đã thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Chưa thấy quyết sách

“Chính phủ đã có cố gắng trong việc chuẩn bị nhưng đề án này hãy còn khá đơn giản. Ba ưu tiên nêu là tái cơ cấu DNNN, ngân hàng tài chính và đầu tư công tưởng rõ mà hóa ra đọc xong vẫn không rõ”, ông Lê Việt Trường, đại biểu tỉnh An Giang chia sẻ.

Đây cũng chính là cảm nhận chung của khá nhiều đại biểu khác về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế.

Các đại biểu băn khoăn đề án tái cơ cấu còn chung chung. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ở đoàn Quảng Ninh, bà Ngô Thị Minh bày tỏ: “Đề án dàn trải, không có điểm nhấn, chung chung, không có khâu đột phá”.

Bà phân tích, chẳng hạn như chất lượng nguồn nhân lực thấp, nguyên nhân là gì, đề án chưa nêu. Giải pháp cho nhóm vấn đề này cũng chưa có ý tưởng gì mới. Các vấn đề nổi cộm như phát triển hệ thống trường lớp, có hướng vào người học không, quy mô phải tương xứng với chất lượng, sinh viên ra trường, chưa đề cập đến.

Không chỉ vậy, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế còn bị chê tơi tả vì đã đưa ra các giải pháp đã "cũ mèm", quá quen thuộc ở nhiều văn kiện của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Chỉ ra hạn chế này, ông Tô Văn Tám, đại biểu tỉnh Kon Tum khẳng định: "12 giải pháp của đề án thì đều đã có ở Nghị quyết rồi, như chủ động kiểm soát duy trì ổn định nền kinh tế, xác định sứ mệnh tập đoàn kinh tế, chuyện cổ phần hóa, chuyển giao, sát nhập… trong nhóm giải pháp tái cơ cấu DNNN. Đây đều là những việc đã làm rồi, có chủ trương rõ ràng rồi".

Ông Tám cho rằng, đáng lẽ đề án tái cơ cấu phải đưa ra được các giải pháp mới hơn, giống như một cái nhà đã cũ kỹ, giờ bộc lộ khiếm khuyết thì phải bỏ cái nền cũ đi để xây dựng lại. Đáng lẽ, 12 giải pháp cần cụ thể hóa Nghị quyết và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm.

Nặng nề hơn, đại biểu Trần Du Lịch, TP.HCM còn cảnh báo: “Đề án vẫn chỉ là những quan điểm chung chung, mới chỉ dừng ở tính chất hiệu triệu, chưa có tác dụng rõ ràng. Nếu công bố một đề án như vậy thì chưa tạo được định hướng, niềm tin cho doanh nghiệp”.

Có quá nhiều điểm còn thiếu sót ở đề án gây thất vọng cho các đại biểu. Theo ông Lịch, điều trông chờ nhất ở đề án này là cần vạch rõ cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội để quyết thông qua cho Chính phủ thực hiện thì chưa có. Các quyết sách về thuế, tín dụng... cần Quốc hội quyết chưa được đề án nêu. 63 tỉnh thành đang ở tình trạng chia cắt như 63 nền kinh tế. Đề án chưa thể hiện điều này.

Đại biểu Lê Việt Trường, tỉnh An Giang còn phê phán gay gắt, đề án quên cả vấn đề phát triển kinh tế biển, một khu vực đóng góp lớn cho GDP.

“Chắc chắn với đề án này, Quốc hội chỉ nghe cho biết, chưa thể quyết gì, vì đề án chưa đưa ra được quyết sách gì”, đại biểu Trần Du Lịch chốt ý kiến.

Chi phí?

Chi phí là vấn đề nóng được hầu hết các đại biểu băn khoăn, thắc mắc vì sự vắng bóng của nó trong đề án chính thức. Các ý kiến khá ngắn gọn nhưng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chi phí.

Ông Lê Việt Trường thẳng thắn: “Phải tính toán chi phí cho tái cơ cấu. Nói gì thì nói, có bột mới gột nên hồ”. Còn đại biểu Lê Văn Học băn khoăn, không thấy có dự toán gì về tiền và con người. Có phải tái cơ cấu kinh tế theo kiểu cứ thực hiện đều đều, đến đâu thì đến?

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh nhận xét, các tác giả đề án cho rằng đề án này là để làm ra tiền chứ không cần đến tiền. Nhưng rõ ràng, không có gì tạo ra hiệu quả mà không cần đến chi phí. Ví dụ, tái cấu trúc DNNN sẽ có tình trạng thất nghiệp, hệ quả này cần có chi phí.

Các điểm nghẽn về đầu tư công, hiệu lực quản lý nhà nước mờ nhạt hay những tồn tại dai dẳng của khu vực DNNN tiếp tục được các đại biểu đề cập đến. Nhiều ý kiến bày quan tâm đến chuyện "hậu" tái cơ cấu. Như đại biểu Huỳnh Văn Tí, tỉnh Bình Thuận cho rằng, cần tính toán thêm các giải pháp gắn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tái cấu trúc nền kinh tế.

P.Huyền - P.Loan - T.Chung