- Sẽ mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn. Cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn.

Đây là một phần những giải pháp tổng hợp Chính phủ đề ra nhằm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội.

Con số về kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đáng chú ý.

Trong 5 năm, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Qua giải quyết gần 4.600 vụ tố cáo tham nhũng, đã phát hiện 466 vụ với 727 người có hành vi tham nhũng.

Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn (đã khởi tố 1.458 vụ án với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo). Qua điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đã thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, hơn 200ha đất.

Đại biểu QH vừa nhận được báo cáo của Chính phủ về chống tham nhũng. Ảnh: Minh Thăng

Đã có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng.

Chính phủ nhận định tham nhũng đã từng bước được kiềm chế trên một số lĩnh vực, song vẫn còn đó thực trạng tham nhũng nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại 23.522 cơ quan, đơn vị, đã phát hiện và xử lý 1.704 cơ quan, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động….

Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản

Minh bạch tài sản, thu nhập được đề cập như khía cạnh góp phần chống tham nhũng hiệu quả. Cùng với việc tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của cơ quan chức năng, Chính phủ đã có văn bản phê bình một số bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện, việc kê khai tài sản đã có tiến bộ rõ rệt và dần đi vào nền nếp.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp (việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức) nhưng việc kê khai tài sản, thu nhập đã có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức về trách nhiệm minh bạch tài sản, thu nhập và có tác dụng phòng ngừa tham nhũng nhất định, giúp công tác quản lý cán bộ, đảng viên được chặt chẽ hơn.

Để chống tham nhũng hiệu quả, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp như quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý.

Mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn.

Bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Quy định việc cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn.

Quy định việc điều động khỏi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn để xem xét giải quyết tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra…

Bên cạnh đó, tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ cơ chế xin - cho, trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát…

Linh Thư