- Vì EVN còn độc quyền, giá bán lẻ điện vẫn cần Nhà nước định giá cụ thể thay vì dự kiến định giá khung như dự thảo luật Giá nêu. Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu EVN, vừa là cơ quan ra chính sách giá điện nên đang có sự mâu thuẫn lợi ích.


Thảo luận về dự thảo luật Giá sáng nay (28/5), nhiều đại biểu QH băn khoăn trước những tiêu chí, điều kiện còn mông lung về bình ổn giá và về nguy cơ tăng giá bán lẻ điện nếu như “thả” giá điện bán lẻ cho doanh nghiệp quyết.

Nhà nước cần định giá bán lẻ điện

Theo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật của Thường vụ QH, vấn đề giá điện dự kiến sẽ được quy định như Chính phủ đề nghị. Nhà nước sẽ chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu đang thuộc độc quyền nhà nước. Trước mắt, Nhà nước sẽ vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện nhưng về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình.

Riêng về giá bán lẻ điện, Nhà nước cũng sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Điều này đồng nghĩa, EVN sẽ định giá cụ thể giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương kiểm soát trong khung giá của Chính phủ.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Cần có cơ quan độc lập giám sát giá điện. Ảnh: Minh Thăng

Điều này khiến nhiều đại biểu lo lắng. ĐB Trần Văn Tấn, tỉnh Tiền Giang bày tỏ: Trong điều kiện EVN còn độc quyền thì Nhà nước cần định giá bán cụ thể đối với giá bán lẻ điện. Không nên để doanh nghiệp tự định giá.

Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Thành, Lạng Sơn lưu ý các quy định về định giá cần xem xét kỹ, tránh nguy cơ sau khi thông qua dự luật, giá điện sẽ lại tăng cao. Vấn đề giá điện trong dự thảo luật Giá cần phải thống nhất với Luật Điện lực.

ĐB Nguyễn Thanh Hải, tỉnh Hòa Bình chỉ ra sự chồng chéo: Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu EVN, vừa là cơ quan thẩm định, kiểm soát giá điện, ra các chính sách về giá điện. "Kể cả có Cục Điều tiết điện lực quyết nhưng vẫn thuộc bộ này. Như vậy có mâu thuẫn về lợi ích trong việc điều hành giá điện". Theo bà Hải, cần có cơ quan độc lập giám sát giá điện.

Ngoài ra, dự thảo luật Giá chỉ quy định Nhà nước định khung giá bán lẻ điện là chưa đủ. ĐB Hải cho rằng, nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể thì sẽ thiệt hại cho người tiêu dung.

ĐB Đồng Hữu Mạo, Thừa Thiên - Huế cho rằng, thời gian qua, ngành điện liên tục đề nghị Chính phủ tăng giá điện. Nếu thả giá bán lẻ điện chắc chắn sẽ có mức giá không lợi cho người tiêu dung.

“Dự thảo nói Chính phủ định khung giá của mức giá bán lẻ nhưng tôi vẫn băn khoăn về tính khả thi của nó. Giá bán lẻ điện bình quân hiểu như thế nào? Giá điện có nhiều loại cho các thành phần, có phải sau một thời gian sẽ lấy tổng doanh thu chia cho sản lượng điện, làm thế nào để Nhà nước biết doanh nghiệp bán đúng quy định giá bình quân đó?”, ông Mạo băn khoăn.

Ông nêu ví dụ, chưa đến cuối kỳ, cơ quan nhà nước kiểm tra sẽ khó phát hiện, vì chưa có doanh số để chia. Rất khó để trùng với giá bán lẻ bình quân của Nhà nước quy định, như vậy, kết quả sẽ hoặc thấp hơn giá bán lẻ bình quân do Nhà nước định thì doanh nghiệp lỗ, hoặc tăng cao hơn, thì Nhà nước sẽ thu hồi khoản chênh lệch này hay là để cho doanh nghiệp, hay để lại cho người tiêu dùng?

Quy định khung giá bán lẻ này tưởng có thể hợp lý nhưng đi vào thực tế sẽ không khả thi. Ông Mạo đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành - Chính phủ quy định giá điện.

Mông lung nguyên tắc bình ổn giá

Các nguyên tắc về bình ổn giá cũng bị nhiều đại biểu đánh giá là chung chung, mông lung.

ĐB Trần Du Lịch, TP.HCM bình luận: “Luật Giá giải quyết vấn đề rất khó là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nếu ta nỗ lực bình ổn giá trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn thì dù nỗ lực thế nào cũng khó mà ổn định được. Vì vậy, chúng ta đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá. Giá cả ổn định là do các biện pháp kinh tế vĩ mô phối hợp".

Do đó, ông Lịch cho rằng, mặc dù rất chia sẻ với nhiều đại biểu bức xúc về những mặt hàng còn biến động khó quản lý nhưng bình ổn giá là cực chẳng đã. Mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn là lợi bất cập hại, Nhà nước lấn chiếm thị trường mà không giải quyết được gì.

ĐB Nguyễn Thành Tâm, tỉnh Tây Ninh than phiền, thời gian qua, vẫn chưa có đánh giá chính thức nào về hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Nếu QH cho phép thành lập các quỹ bình ổn giá để điều tiết thì cần quy định thật rõ điều kiện thành lập. Luật không nên ghi chung chung là bình ổn giá “khi cần thiết”.

Đại biểu Tâm phân tích, cơ chế áp dụng các biện pháp bình ổn giá, luật chỉ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét trong điều kiện nào đó. Đó là việc can thiệp bằng biện pháp hành chính cũng là không tốt cho thị trường, phần nào ảnh hưởng tới cơ chế thị trường.

“Nên thành lập hội đồng về giá, có đại diện các hiệp hội, người tiêu dùng để đi đến quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá”, đại biểu Tâm nói.

Theo ĐB Tâm, cần quy định rõ trách nhiệm các cơ quan kịp thời công bố các biện pháp bình ổn giá, cần có mức “trần” về thời gian để các đối tượng có liên quan chuẩn bị trước.

Phạm Huyền