Vụ nổ bom tại sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất nước Nga hôm qua (24/1) trở thành một cú đánh vào chính quyền của Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin, ngăn chặn các nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài và đảm bảo an ninh trong năm bầu cử.

Ít nhất 35 người chết và 150 người bị thương trong vụ nổ, khiến ông Putin thất bại trong cố gắng ngăn chặn phiến quân ở hơn một thập niên nắm giữ quyền lực.

Nó cũng khiến ông Medvedev hoãn chuyến đi tới Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thuỵ Sĩ, nơi ông nỗ lực thuyết phục Nga là điểm đến của giới đầu tư trong hy vọng thu hút thêm nhiều nguồn lực tài chính để hiện đại hoá ngành kinh tế phụ thuộc vào năng lượng.

Sau vụ nổ làm rung chuyển khu vực nhà ga đến của sân bay quốc tế Domodedovo chưa đầy hai giờ, ông Medvedev thề sẽ tìm ra và trừng phạt kẻ phải chịu trách nhiệm. Cảnh sát khẳng định họ đang tăng cường an ninh.

Những nhà phê bình cho rằng, nạn tham nhũng và sự hỗn loạn gây ra những kẽ hở trong lực lượng an ninh đã tiếp tay cho các phiến quân Hồi giáo. Vụ nổ ở sân bay Domodedovo xảy ra chưa đầy một năm sau vụ hai người phụ nữ từ khu vực Dagestan, Bắc Caucasus đã đặt thuốc nổ tại hệ thống xe điện ngầm ở Moscow vào giờ cao điểm ngày 23/9 làm 40 người tử nạn.

Người bị thương trong vụ nổ bom tại sân bay Domodedovo. Ảnh: AP

Nó cũng gợi lại những vụ tấn công vào năm 2004, nhiều ngày trước thảm kịch bắt cóc con tin trường học ở thị trấn Beslan, Bắc Caucasus. Khi đó, hai kẻ đánh bom tự sát đã lên được những máy bay xuất phát từ Domodedovo bằng vé mua lậu từ chính nhân viên sân bay và kích hoạt thuốc nổ, làm tung thân mình khi máy bay đang trên không, và khiến toàn bộ 90 người trên hai máy bay thiệt mạng.

"Thảm kịch xảy ra chính là sự thất bại của lực lượng an ninh trong việc theo dõi và phát hiện hoạt động của phiến quân”, Matthew Clements thuộc Trung tâm Thông tin IHS Jane ở London cho biết. Những năm gần đây, “kẻ nổi dậy hoạt động ở Bắc Caucasus đã gia tăng phạm vi ở trong chính khu vực này và mở rộng sang “đại lục” Nga”, ông nói.

Theo Clements, không có mối liên hệ trực tiếp nào với cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay và cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, nhưng cảnh báo “có nguy cơ cao của những vụ tấn công trong tương lai nhằm vào những mục tiêu quan trọng ở Nga và các khu vực đông dân của Moscow cũng như các thành phố khác”.

Clements cho rằng, vụ việc cũng có thể “làm chệch hướng” đường đi của đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất, mà theo dự đoán vẫn duy trì ưu thế ở quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 12.

Thủ tướng Putin được cho là sẽ trở lại Kremlin vào năm 2012 hoặc tiếp tục ủng hộ Tổng thống Medvedev giữ nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng vụ đánh bom vừa xảy ra có thể làm xói mòn lòng tin của người dân vào cả hai nhà lãnh đạo nước Nga này, những người đã phải vật lộn trong những tháng qua với nạn cháy rừng mùa hè cùng khói bụi làm hàng trăm người thiệt mạng, và tình trạng bạo lực phân biệt chủng tộc nhằm vào người thiểu số.

Glen Howard, Chủ tịch Quỹ Jamestown tại Washington cho hay, vụ việc sẽ làm “gia tăng căng thẳng trầm trọng do phe hữu tạo ra tại Moscow”.

Còn các nhà phân tích tài chính thì chỉ ra rằng, những nhà đầu tư ở Nga, cũng giống như dân thường, sẽ sớm vượt qua tác động của vụ tấn công khủng bố, và thị trường sẽ sớm phục hồi. "Moscow không tin vào nước mắt”, John Winsell Davies, thuộc Quỹ Quản lý Tài sản Wermuth dẫn tiêu đề bộ phim thời Liên Xô cũ để nói về biểu tướng cứng rắn của rất nhiều người Nga.

"Tôi không nghĩ bất kỳ nhà đầu tư lớn nào sẽ bị cản trở khi đầu tư vào công ty Nga sẽ thoái chí vì một vụ đánh bom”, Zsolt Papp, thuộc Công ty quản lý quỹ UBP ở Zurich nhấn mạnh. "Nga là đất nước khá ổn định về chính trị và những nhân tố khác như giá dầu đóng vai trò lớn hơn nhiều”, ông nói.

Từng là nơi đổ nát hoang tàn với ga xe lửa Liên Xô thời cũ, Domodedovo đã trở thành “cửa sổ” mở nước Nga ra với thế giới, phục vụ nhiều hãng hàng không quốc tế. Hãng Lufthansa của Đức đã tạm thời dừng các chuyến bay tới Moscow sau vụ đánh bom. Ít nhất một chuyến bay của British Airways tới Domodedovo đã quay trở lại London.

•   Thái An (Theo Reuters)