Trong chuyến công du châu Á kéo dài một tuần lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon
Panetta sẽ tóm tắt với các đồng minh về chiến lược xoay trục của Mỹ với châu Á
và sẽ tìm cách xoa dịu e ngại rằng, tài chính bất ổn có thể làm xói mòn những
cam kết của Washington tại đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: wordpress
Trong bối cảnh một khu vực châu Á - Thái Bình Dương bất ổn bởi những căng thẳng
nổi lên quanh vấn đề cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông, ông Panetta đã bay tới
Hawaii gặp gỡ với người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ trước khi đáp
đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La.
Sau đó, ông sẽ có hai ngày công du Việt Nam và Ấn Độ - những nước ngày càng trở
nên quan trọng với Mỹ nhằm thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên các luật lệ để
có thể bảo vệ tự do hàng hải và thương mại trong khi giải quyết các xung đột
theo con đường hòa bình.
Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Panetta tới châu Á - Thái Bình Dương
kể từ khi Lầu Năm Góc đưa ra chỉ dẫn chiến lược mới hồi tháng 1. Chiến lược kêu
gọi thay đổi sự tập trung hướng tới khu vực này.
"Những gì chúng tôi đang cố gắng làm với chiến lược xoay trục là mang lại nhận
thức toàn diện với các đối tác và tất cả mọi người trong khu vực về sự cân bằng
lại tại châu Á - Thái Bình Dương thực sự có ý nghĩa thực tiễn”, một quan chức Mỹ
nói trong cuộc họp báo.
Ông Panetta có lẽ cũng sẽ giải đáp những quan ngại về việc Mỹ cần giảm bớt chi
tiêu quốc phòng và liệu Washington sẽ có thể duy trì các cam kết với khu vực bất
chấp thâm hụt tăng cao hay không.
Lầu Năm Góc đang trong quá trình thực hiện kế hoạch cắt giảm ngân sách quân sự
487 tỉ USD trong thập niên tới. "Một trong những điều bạn sẽ nghe thấy từ giải
thích của bộ trưởng là sự cân bằng thế nào với các nguồn lực và cam kết của Mỹ
tại châu Á – Thái Bình Dương trong dài hạn”, vị quan chức nói.
Nỗi lo ở Trung Quốc
Trong khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama khẳng định rằng, sự thay đổi
không nhằm mục tiêu vào bất kỳ nước nào, thì ông Panetta sẽ vẫn phải cẩn trọng
với ngôn ngữ của mình khi ở Singapore và Việt Nam để tránh làm tăng thêm mối lo
ngại của Bắc Kinh về việc chiến lược mới tập trung vào châu Á của Mỹ là để kiềm
chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Ông ấy sẽ phải thận trọng với những gì sẽ nói”, Jonathan Pollack, một nhà phân tích
Trung Quốc tại Viện Brookings cho biết. “Những thông điệp mà ông muốn gửi đi
rất quan trọng, ít nhất nó sẽ kích động phản ứng từ phía Trung Quốc”.
Pollack nhấn mạnh rằng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chọc giận Bắc Kinh
tại diễn đàn ASEAN năm 2010 khi nhấn mạnh vấn đề tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở
Biển Đông.
Trong khi một báo cáo gần đây của Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc đã tránh
được khuynh hướng “thổi phồng” như các tài liệu trước, thì các chỉ dẫn chiến
lược đưa ra hồi tháng 1 lại làm gia tăng nỗi lo ngại từ Bắc Kinh. Theo Pollack,
tài liệu này đã xếp Trung Quốc và Iran vào cùng danh mục đối thủ tiềm năng của
Mỹ, đồng thời phác thảo Ấn Độ như một quốc gia góp phần đối trọng với sức mạnh
quân sự Trung Quốc.
"Nếu đề cập tới cả hai trong cùng một hơi thở, thì rõ ràng sẽ gây ra sự chú ý từ
phía các quan chức Trung Quốc”, Pollack nói. "Nên những từ ngữ cần được tính toán, hy
vọng Panetta sẽ thận trọng những gì ông nói”.
Đối tác quốc phòng
Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, chuyến đi tới New Delhi của ông chủ Lầu
Năm Góc là nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ - vốn được đưa ra trong
chỉ dẫn chiến lược tháng 1 như là một quốc gia Mỹ muốn có quan hệ đối tác quốc
phòng.
"Ấn Độ là nước duy nhất chúng tôi đề cập trong chỉ dẫn chiến lược quốc phòng như
một đối tác”, quan chức Mỹ nói. “Chúng tôi đang bước vào một kỷ nguyên mà chúng
tôi nghĩ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ sẽ chỉ tiến triển trên một trục lăn ổn
định”.
Karl Inderfurth, một nhà phân tích Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và
Quốc tế cho hay, đề cập tới Ấn Độ trong chỉ dẫn chiến lược là dấu hiệu cho thấy
Mỹ muốn New Delhi giúp xây dựng sự ổn định trong khu vực.
"Ấn Độ có một chỗ đứng trong chỉ dẫn chiến lược mới mà các nước khác không có”,
ông nói. “Mỹ đang hướng tới Ấn Độ nhiều hơn là thương mại quốc phòng… Họ mong
muốn Ấn Độ góp phần trong vai trò là nhà cung cấp an ninh tại khu vực Ấn Độ
Dương rộng lớn hơn”.
Theo Inderfurth, nguyên trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Nam Á, Ấn Độ đã
xem xét các khả năng của mình và cân nhắc về những vai trò có thể, cũng như quan
tâm tới việc mởi rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Thái An (theo Reuters)