- Thẩm tra dự thảo luật Luật sư, UB Tư pháp QH cho rằng nên chặt chẽ hơn trong các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề luật sư.
Dự thảo luật quy định các đối tượng thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật sửa đổi theo hướng không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư, nhằm tạo cơ hội cho những người này hướng thiện và có cơ hội hành nghề.
Ảnh: Minh Thăng |
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, đa số ý kiến trong UB cho rằng, với tính đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố hết sức quan trọng. Do vậy, việc quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở để hình thành một đội ngũ luật sư vừa hồng vừa chuyên, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng có quy định tương tự.
Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư, nhưng không mở rộng đối với tất cả các tội nghiêm trọng do cố ý như dự thảo luật, nhất là đối với trường hợp cố ý phạm tội nghiêm trọng thuộc các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; phạm tội với thủ đoạn gian dối, trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc...
Dự thảo cũng quy định “viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật” thuộc diện được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Tờ trình của Chính phủ cho rằng, quy định này nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề luật sư, góp phần phát triển hợp lý số lượng luật sư, tạo điều kiện cho viên chức giảng dạy pháp luật có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, định hướng phát triển nhanh đội ngũ luật sư, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 20 ngàn luật sư phải gắn liền với mục tiêu nâng cao chất lượng, trong đó có yêu cầu chuyên nghiệp hóa cao của đội ngũ luật sư. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được “kiêm nhiệm” hành nghề luật sư sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó, số viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, nhiệm vụ chủ yếu và hết sức quan trọng của họ là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp và toàn xã hội. Việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng, trong khi hoạt động giảng dạy cũng phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời gian. Do đó, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng.
Tuy vậy cũng có lưu ý rằng theo quy định của luật Viên chức, việc hành nghề luật sư không thuộc diện bị cấm.
Chung Hoàng