- “Ăn một quả, trả cục vàng”, cái triết lý của con chim phượng hoàng trong cổ tích Cây khế có thể vận dụng cho câu chuyện báo chí và QH. QH tin cậy báo chí, cho nhà báo đặt ngai vàng tác nghiệp trong hành lang, thì báo chí cũng trả lại cho QH niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của hàng triệu cử tri khi họ nhìn thấy tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh các đại biểu trên mặt báo.


Quyền lực của lời nói

Trong giải Cành diều Vàng năm 2005, tôi được Hội điện ảnh trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim “Ký ức Điện Biên”. Từ điển Bách khoa Wikipedia đã viết về “Ký ức Điện Biên” như một phim nghệ thuật sâu sắc và độc đáo.

Phim được chiếu cho hơn 2 triệu khán giả trong nước, được mời tham dự các LHP lớn như Locarno, Singapore và được 5 nước châu Á là Trung Quốc Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Brunei mua bản quyền từ 4 đến 15 năm để chiếu rạp, in đĩa, chiếu TV và chiếu ở các nơi công cộng. Đây là phim đặt hàng về chiến tranh cách mạng đầu tiên được nước ngoài mua để chiếu rộng rãi trong thời gian dài.

Nhưng, không mấy ai biết rằng, nếu không có hành lang QH thì “Ký ức Điện Biên” khó có thể hoàn thành đúng thời hạn với quy mô, chất lượng như vậy.

Vì khi kịch bản được các cấp phê duyệt vào tháng 8/2003, thời gian chỉ còn 8 tháng vừa để vừa sửa kịch bản, vừa làm các thủ tục nhà nước đặt hàng, vừa quay 120 phút phim với nhiều đại cảnh lớn phải xây dựng hàng chục bối cảnh lớn làm giả thung lũng Điện Biên, phải huy động hàng ngàn bộ đội, dân công, hàng chục máy bay, xe tăng, mấy chục khẩu trọng pháo, rồi còn đưa cả đoàn phim sang Paris quay hai tuần, sang Thái Lan làm 20 phút kỹ xảo và in tráng, làm hậu kỳv.v... Vậy mà, khi Chính phủ đã có quyết định đặt hàng rồi, chờ hàng tháng sau vẫn chưa có quyết định của Bộ Tài chính.

Đúng lúc ấy thì QH khóa XI họp, tôi chạy vào Hội trường Ba đình gặp Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng chất vấn ông “Sao Bộ Tài chính tìm nguồn lâu thế hả anh? Như vậy làm sao bọn em kịp hoàn thành phim để chiếu ngày 7/5?”.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (tác giả bài viết - giữa) cùng nhà thơ Tố Hữu (trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (phải) bên hành lang Quốc hội

Bộ trưởng hứa sẽ kiểm tra và xử lý ngay. Một tuần sau chưa thấy gì tôi lại chạy vào hành lang QH hỏi ông. Ông nói: “Tôi phê chuẩn ngay sau hôm đó rồi mà! Chắc anh em đang làm văn bản cho cậu thứ trưởng ký”.

Tôi lại vội vàng chạy thẳng lên Bộ Tài chính tìm gặp các chuyên viên thì một người mới sực nhớ ra: “Thôi chết rồi, quyết định em đã cho đánh máy đưa thứ trưởng ký, nhưng bản đánh máy bị lỗi, không viết hoa chữ V trong tiêu đề Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên thủ trưởng chưa ký bảo đánh máy lại. Em đút vào đây rồi bận quá quên khuấy đi mất!”.

Anh bạn trẻ rút ngăn kéo lấy bản quyết định đã đánh máy cho tôi xem. Thế là chỉ hai hôm sau chúng tôi có quyết định cấp tiền. Nếu không xông vào hành lang QH gặp Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng thì có khi phải chờ không biết đến bao giờ!

Có tiền rồi, nhưng không phải dễ dàng thuê được xe tăng, máy bay, súng ống và đạn dược để quay phim. Phải được Bộ Quốc phòng cho phép. Thời gian chỉ còn hơn 6 tháng mà gửi công văn lên Bộ Quốc phòng mấy tuần chưa thấy hồi âm nên chưa thể bấm máy.

Tôi lại mang bản công văn khác chạy vào Hội trường Ba đình gặp tướng Phùng Quang Thanh, Tham mưu trưởng QĐNDVN, đưa tận tay ông nhờ ông giúp đỡ đoàn phim. Ông hứa sẽ xử lý ngay và còn cho tôi số mô-bai của ông để bất cứ lúc nào gặp khó khăn thì báo cho ông biết.

Thế là công việc bắt đầu vào guồng. Nhưng khi có nắng và có lính nhảy dù thì quân đội lại chưa có lệnh bay, khi có lệnh bay thì lại trời mưa, rồi lúc quay đại cảnh hàng ngàn người cần nổ mìn thì lại phải chờ giấy phép của Bộ Quốc phòng cho nổ.

Tôi lại gọi điện cho tướng Phùng Quang Thanh hỏi: “Anh ơi! Sao Bộ Quốc phòng có công văn ủng hộ đoàn phim rồi mà các đơn vị vẫn gây khó dễ cho bọn em, không cho nổ mìn. Bọn em chỉ còn có sáu tháng nữa thôi!”.

Ông giải thích: “Để mai tôi thông báo trong giao ban. Tôi phải trực tiếp nói trong giao ban thì họ mới cho nổ mìn. Còn giấy tờ không thì họ chưa dám cho nổ đâu!”. Sau đó, lệnh miệng của tướng Phùng Quang Thanh đã thổi quyền lực vào các văn bản của Bộ Quốc phòng, từ đấy anh em bộ đội các binh chủng giúp đỡ đoàn phim hết lòng.

Khi ra mắt, “Ký ức Điện Biên” được 27 tờ báo lớn viết bài ca ngợi là một phim nghệ thuật hoành tráng, chân thực, nhân văn và xúc động, như một bước đột phá của phim đặt hàng về chiến tranh cách mạng, “bước đầu tiên ra khỏi lối mòn của phim kỷ niệm” như báo Tuổi Trẻ viết, tôi thầm cám ơn QH đã giúp tôi có được sự ủng hộ Bộ Tài chính và Quân đội.

Và chỉ số đam mê (PQ)

Trong niềm vui của kẻ đã vượt qua chướng ngại vật trên chặng đường đua khá hiểm trở, tôi chợt lóe lên một luồng suy tư về văn hóa coi trọng lời nói của người Việt.

  Báo chí không được QH tạo cơ hội cho giao lưu trực tiếp bằng lời nói với các đại biểu ở hành lang thì những văn bản sẽ nằm ngủ trong ngăn kéo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nếu không được QH tạo cơ hội cho giao lưu trực tiếp bằng lời nói với các đại biểu ở hành lang thì những văn bản vẫn cứ nằm ngủ trong ngăn kéo như những lá bùa chưa được pháp sư bắt quyết.

Nếu không có cái thẻ Báo chí do QH cấp đeo trước ngực để thường xuyên đi lại trong hành lang QH, thì liệu một đạo diễn như tôi có thể vận động tìm kiếm sự ủng hộ hay thậm chí gây sức ép trách nhiệm với các vị đại biểu có trọng trách như Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng và tướng Phùng Quang Thanh để được họ quan tâm giúp đỡ như vậy không?

Chắc chắn là không. Vì sự giao tiếp bằng đơn từ, thư tín không thể có sức mạnh như giao tiếp bằng lời nói. Trao đổi trực tiếp bằng lời nói có một phần tình cảm bạn bè dù chỉ là bè bạn trong khoảnh khắc giao tiếp ở hành lang.

Theo Virender Kapoor, một nhà giáo dục và nhà quản lý lừng danh từng viết nhiều cuốn sách nổi tiếng về trí tuệ cảm xúc và nghệ thuật lãnh đạo, không phải chỉ số trí tuệ (IQ) quyết định mọi thắng lợi của con người, mà chính chỉ số đam mê (PQ) bắt rễ trong tình cảm mới có sức mạnh quan trọng nhất quyết định mọi thành công.

Cái văn hóa ứng xử với báo chí của QH các nhiệm kỳ trước mang đậm nét văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống với tình cảm chia sẻ “hạt gạo cắn đôi”, “Tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo) đã tạo môi trường dân chủ xanh tươi cho mối quan hệ giữa đại biểu QH và đời sống nhân dân.

Khi các đại biểu QH đã chia sẻ những cảm xúc suy tư nóng sốt trong tim, trong óc mình với báo chí, thì nhà báo cũng chia sẻ những bức xúc, những thông tin nóng hổi từ cuộc sống của chính mình và của muôn dân. Tình cảm hình thành và ngọn lửa của chỉ số đam mê cũng cháy lên.

Suy rộng ra, hành lang Quốc hội đã góp phần không nhỏ làm tăng chỉ số đam mê cho các cuộc tiếp xúc tác nghiệp giữa nhà báo và đại biểu, làm bật ra những ý kiến mạnh mẽ, sắc sảo và đầy trách nhiệm làm nức lòng cử tri như những ý kiến báo chí đã đăng.

Nhà thơ - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn