- Đại sứ Đan Mạch cho hay đang làm việc với Chính phủ Việt Nam và các đối tác để “xử nghiêm” tiêu cực phát hiện ở 3 dự án ODA tại Việt Nam.
Đây là phát ngôn chính thức đầu tiên của Đại sứ Đan Mạch John Nielsen, trong một thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Đại sứ quán ngày 1/6, một ngày sau khi thông tin trên tờ The Copenhagen Post đưa tin Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Christian Friis Bach đã quyết định ngừng 3 dự án ODA (về biến đổi khí hậu) ở Việt Nam do phát hiện có dấu hiệu sử dụng tiêu cực tài chính.
Không chấp nhận tiêu cực
Ông John Nielsen cho hay sau khi có những nghi ngờ về hiện tượng tiêu cực, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội đã mời một công ty kiểm toán quốc tế làm rõ thông tin liên quan đến tài chính của 4 dự án.
Dựa trên kết quả kiểm tra tài chính, Đan Mạch quyết định tạm dừng hoạt động của 3 trong 4 dự án để tiếp tục làm rõ.
"Bộ trưởng Phát triển đã khẳng định Đan Mạch không thể và sẽ không chấp nhận việc ngân sách viện trợ phát triển bị sử dụng sai mục đích. Cách thức giải quyết của chúng tôi đối với tất cả các trường hợp có dấu hiệu tiêu cực là rõ ràng và nhất quán. Đây cũng là quan điểm của chúng tôi đối với bất kỳ nghi vấn tiêu cực nào xảy ra trong các chương trình do Danida tài trợ ở tất cả các quốc gia" - Đại sứ John Nielsen phát biểu.
Đây là phát ngôn chính thức đầu tiên của Đại sứ Đan Mạch John Nielsen, trong một thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Đại sứ quán ngày 1/6 |
Ông cũng cho hay: "Hiện tại chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan đối tác để xử lý nghiêm túc vấn đề này. Cho đến nay chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực đầu tiên".
Theo Đại sứ, những phát hiện trong quá trình kiểm tra tài chính là sử dụng dịch vụ tư vấn để tư lợi, chi vượt mức thực tế các trang thiết bị và thâm hụt quỹ so với số dư sổ sách kế toán.
Theo báo cáo, số tiền bị sử dụng không hợp lý có thể lên tới 3,3 triệu DKK (khoảng 11,5 tỉ đồng).
Tuy nhiên, Đại sứ khẳng định những phát hiện này sẽ cần được hai chính phủ và các cơ quan thực thi đánh giá kỹ lưỡng trước khi có kết luận cuối cùng.
“Tại thời điểm này, Đại sứ quán sẽ không bình luận thêm về vụ việc nêu trên vì đang trong quá trình làm rõ vấn đề” - thông điệp của Đại sứ Đan Mạch nêu.
Xử lý nghiêm
Trước đó, tờ The Copenhagen Post đưa tin Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Christian Friis Bach ra quyết định tạm dừng thực hiện 3 dự án ODA vì có dấu hiệu "gian lận".
Quyết định này được đưa ra sau khi một điều tra độc lập do Công ty kiểm toán Price Waterhouse Coopers (PWC) thực hiện phát hiện có một số vấn đề bất thường tại các dự án này.
PWC có chi nhánh ở Việt Nam song báo cáo được thực hiện độc lập.
Những dự án trong diện nghi vấn có liên quan tới hoạt động nghiên cứu về biến đổi khí hậu do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) tài trợ.
Việc sử dụng sai nguồn vốn bao gồm chi vượt mức thực tế cho các dịch vụ tại chỗ, các hợp đồng dịch vụ đáng nghi vấn, chênh lệch giữa sổ sách của dự án và mức chi được ủy quyền.
Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Christian Friis Bach đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam hỗ trợ việc điều tra.
Không chỉ 3 dự án nói trên, Đan Mạch cũng sẽ xem xét kỹ các dự án khác có sử dụng nguồn tài trợ từ Danida.
“Việc quan trọng cần làm là xử lý những tổ chức và cá nhân sử dụng sai mục đích nguồn vốn viện trợ của Đan Mạch để làm rõ hậu quả… Không thể để những hành vi gian lận và khả nghi làm phương hại tới nhiều dự án quan trọng mà chúng ta tham gia” - Bộ trưởng Christian Friis Bach phát biểu trên website của Bộ Phát triển Đan Mạch đồng thời nhấn mạnh “những hành vi gian dối này cần phải được chặn đứng và trừng phạt”.
Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về ODA, cho hay mới biết thông tin qua báo chí.
Ông Khang nói các dự án này tuy liên quan đến chủ đề biến đổi khí hậu nhưng là về nghiên cứu nên cơ quan quản lý trực tiếp lại là Bộ Khoa học - Công nghệ.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã làm công văn gửi Bộ Khoa học - Công nghệ đề nghị làm rõ sự việc này, đồng thời nhấn mạnh quan điểm tương tự Đại sứ quán Đan Mạch, rằng sự việc đang trong quá trình điều tra nên chưa phát ngôn được gì cụ thể.
Ông Khang cũng cho hay trong quá trình theo dõi lĩnh vực ODA, chưa phát hiện nhiều trường hợp tương tự.
Sự việc diễn ra ngay trước thềm hội nghị tư vấn giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam, diễn ra ở Quảng Trị.
Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, hai bên triển khai 4 dự án: “Tác động của biến đổi khí hậu đến biến đổi sử dụng đất và thay đổi sinh kế cộng đồng ở đồng bằng sông Hồng” (chủ quản là ĐQ Quốc gia Hà Nội); dự án “Tạo giống lúa chịu ngập chìm và mặn thích nghi với điều kiện nước biển dâng cho các vùng đồng bằng ven biển” (chủ quản: Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn). Dự án "Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông của Việt Nam" và "Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội ở trung Trung Bộ" do Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam làm chủ quản. Tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại cho 4 dự án trên là hơn 18 triệu DKK (khoảng 62,5 tỉ đồng). |