Phát biểu ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bác bỏ các quan điểm khẳng định sự tập trung mới của Mỹ ở châu Á-TBD sẽ châm ngòi cho xung đột trong khu vực hoặc chiến lược mới này là mối đe dọa với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu ở Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP


Thay vào đó, ông Leon Panetta “chìa cành ô liu” với Trung Quốc bằng một thông điệp rộng lớn rằng, hai cường quốc sẽ cần học hỏi thêm nhiều để làm việc cùng nhau tốt hơn vì lợi ích của toàn khu vực.

Đánh giá về mối quan hệ ‘mong manh’ Mỹ - Trung Quốc, ông Panetta nói, không bên nào khờ dại về những bất đồng giữa họ. "Cả hai chúng tôi đều hiểu các khác biệt ấy, cả hai chúng tôi đều hiểu những mâu thuẫn chúng tôi có, và cả hai chúng tôi cũng hiểu rằng, không có sự thay thế nào khác ngoài việc chúng tôi cùng nỗ lực cải thiện quan hệ thông tin và quan hệ quân sự”, ông chủ Lầu Năm Góc nói tại hội nghị an ninh ở Singapore.

Tuy nhiên, ông Panetta đồng thời cảnh báo các nước châu Á phải tìm ra con đường giải quyết các xung đột của chính họ vì Mỹ không thể luôn luôn giúp đỡ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc luôn tác động tới toàn khu vực và thường xuyên tập trung vào việc Mỹ ủng hộ Đài Loan cũng như cuộc tranh chấp ở Biển Đông - nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển - bất chấp việc Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines cũng có những khẳng định chủ quyền tại đây.

Thêm vào đó, gần đây là việc Mỹ bóng gió đổ lỗi cho Trung Quốc trước những vụ tấn công mạng, lấy đi các dữ liệu quan trọng từ những cơ quan chính phủ và tập đoàn của Mỹ.

Về phương diện này, ông Panetta cho biết, các nhà lãnh đạo hai bên đã trao đổi về việc phát triển các nhóm công tác, có thể làm việc cùng nhau ở những vấn đề nan giải, như trao đổi thế nào về các mối đe dọa ảo hay có thể nhất trí về những quy định sử dụng các khả năng ảo hay không.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, vấn đề chính là việc hai nước cần phát triển các khả năng thông tin để khi tranh cãi xảy ra có thể giải quyết một cách hòa bình.

Thiếu vắng đại diện cấp cao TQ

Các chuyên gia tham dự hộ nghị đã đặt cho ông Panetta nhiều câu hỏi về Trung Quốc, trong đó có một người là thành viên quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cũng lưu ý rằng, Bắc Kinh không cử bất kỳ một nhà lãnh đạo cấp cao nào tham dự hội nghị. Chưa rõ là tại sao, mặc dù một số quan chức cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bận rộn với những vấn đề trong nước.

Người hỏi đưa ra vấn đề liệu việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực có thể khuyến khích những nước nhỏ hơn và làm gia tăng nguy cơ xung đột. Và liệu có phải Bắc Kinh tẩy chay hội nghị để phản ứng chiến lược “xoay trục” hướng về châu Á của Mỹ.

"Tôi không nghĩ chúng ta nên đặt vấn đề chỉ vì chúng tôi cải thiện các khả năng của họ mà chúng tôi bị coi gây ra rắc rối”, ông Panetta nhấn mạnh. Ông cũng kêu gọi mạnh mẽ các nước châu Á thiết lập một bộ quy tắc hành xử, bao gồm những quy định về quyền quản trị hàng hải ở Biển Đông, sau đó phát triển một diễn đàn nơi giải quyết các tranh chấp. Và rằng châu Á phải phát triển những con đường giải quyết hòa bình các vấn đề của chính họ.

Phát biểu của ông Panetta nhằm cung cấp chi tiết hơn về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ - đặt tâm điểm ở châu Á - Thái Bình Dương - bao gồm các kế hoạch gia tăng quân Mỹ, lực lượng tàu chiến và những tài sản khác trong khu vực vào thời gian tới.

Đặc biệt, ông cho biết, tới 2020, khoảng 60% hạm đội sẽ được chỉ định hoạt động tại đây như một phần chiến lược mới nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ ở châu Á. Đội tàu hiện tại có 11 tàu sân bay với 6 chiếc chỉ định ở Thái Bình Dương.

Trong khi nhấn mạnh rằng, phải mất nhiều năm để hoàn tất quá trình chuyển dịch, nhưng ông Panetta cũng nói trước các đại biểu tại hội nghị ở Singapore rằng, vấn đề ngân sách Mỹ và việc cắt giảm không ảnh hưởng. Ông khẳng định, Lầu Năm Góc có đủ tiền cho kế hoạch ngân sách năm năm để đáp ứng các mục tiêu đặt ra.

Ông cho biết, ông chờ đợi chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay, và mong muốn hai nước thúc đẩy quan hệ quân sự bao gồm các chương trình chống ma túy và viện trợ nhân đạo.

Singapore là điểm dừng chân thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến đi 9 ngày khắp châu Á. Ông đã ở Hawaii và sắp thăm Việt Nam, Ấn Độ.

Thái An (theo AP, Reuters)