- Một số tập đoàn nhà nước - "quả đấm thép" - đang tan chảy phải chăng có nguyên nhân do Nhà nước quá "nuông chiều" các "công tử" này - ĐB Lê Như Tiến nêu vấn đề.
VietNamNet giới thiệu bài phát biểu của ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay (7/6):
Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp này đã nhận định: Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự quản lý của Nhà nước.
‘Quốc nạn’ hạ đo ván ‘quốc sách’
Tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương, phép nước. Các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển và lũng đoạn như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ...
Ông Lê Như Tiến trả lời báo chí giờ giải lao sau khi phát biểu ở Hội trường sáng 7/6. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chỉ riêng lĩnh vực đất đai, với trên 365.000 ha đất để hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ... của trên 10.796 tổ chức, đơn vị, cá nhân trong toàn quốc là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất.
Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai. Khi đất đai trở thành hàng hóa có giá trị đặc biệt thì những người được giao quyền rất dễ "xúc động" trước những nguồn lợi béo bở đó, trong khi các cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, các nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, các cơ sở giáo dục, đang thiếu đất nghiêm trọng nhằm giảm tải cho các nhu cầu bức thiết về văn hóa, xã hội, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo... Thế là "quốc nạn" có nguy cơ hạ đo ván các "quốc sách".
‘Quả đấm thép’ tan chảy
Gần đây dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm đến các "quả đấm thép" của nền kinh tế, đó là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn kính cẩn nghiêng mình gọi là các "ông lớn, các đại gia". Sau PMU 18, Vinashin nay lại Vinalines..., mỗi doanh nghiệp này đã làm thất thoát lãng phí, nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân. Cử tri thấp thỏm chờ xem, tiếp theo còn xuất hiện các "Vina" nào nữa?
Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên đến 700.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hàng năm của quốc gia, song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.
Một số "quả đấm thép" đang tan chảy khiến chúng ta phải tính đến tái cấu trúc, phải nghĩ đến phương thức đầu tư, cách thức quản trị doanh nghiệp và phải chăng có nguyên nhân là do Nhà nước quá "nuông chiều" các "công tử" này, sẵn sàng cung ứng "bầu sữa" ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này. Mỗi khi doanh nghiệp "hoạn nạn", Nhà nước dễ dàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để giải cứu, ném phao cứu sinh, đến nỗi nhiều doanh nghiệp không mặn mà hồ hởi cổ phần hóa, chỉ muốn bao cấp dài dài.
Cần những ‘Bao công’
Giống buôn lậu và gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ không đi theo con đường "chính ngạch" mà thường qua các con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình; bằng hình thức chuyển dịch tiền và tài sản cho các chủ sở hữu khác nhau. Bằng cách dùng phép thuật nhào nặn, biến hóa các số liệu thu chi tài chính phi pháp thành hợp pháp mỗi khi thanh tra, kiểm toán "hỏi thăm".
Và bằng rất nhiều mỹ từ thân thiện lọt tai: quà biếu, quà cảm ơn, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, tặng thẻ tín dụng hàng chục nghìn đô, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài, thậm chí là mừng cả căn hộ, cả ô-tô khi lên chức.
Có một nguyên lý trong phòng, chống tham nhũng mà đôi khi chúng ta lãng quên, đó là ở đâu có điều kiện phát sinh tham nhũng thì ở đó phải có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Các vụ PMU18, Vinashin, Vinalines là những bài học đắt giá.
Biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi, phức tạp thì chúng ta càng phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những "Bao công" quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ mũ ô sa, lấy cả tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng.
Trước kỳ họp thứ 3 này, vào sáng 4/5, tiếp xúc với cử trị quận Ba Đình, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Phòng chống tham nhũng lần này, Trung ương quyết tâm cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi...". Song đại biểu Nguyễn Phú Trọng còn băn khoăn: "Lo là có chịu uống thuốc không, uống thuốc có đủ liều không"?
Chúng tôi cho đây là vấn đề cốt lõi vì: Bắt trúng mạch, cắt đúng thuốc mà không chịu uống thuốc thì việc bắt mạch và cắt thuốc sẽ không còn ý nghĩa. Không ai khác yêu cầu và cưỡng chế họ phải "uống thuốc" đó là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và đã là trọng bệnh nan y thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được.
Cũng trong đợt tiếp xúc cử tri này, vào sáng 2/5, đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Trả lời cử tri về phòng chống tham nhũng, đại biểu Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao". Theo chúng tôi, có lẽ đây vừa là nguyên nhân vừa là bài học sâu sắc trong phòng chống tham nhũng.
Tôi xin dẫn lời nhà giáo dục học Xô viết Makarenko đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ: "Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục".
Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH)