Mỹ và Philippines cùng kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông khi Nhà Trắng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Tổng thống Philippines Aquino.

Tổng thống Barack Obama đã chào đón ông Aquino tới Nhà Trắng trong động thái mới nhất thể hiện sự tập trung vào các mối quan hệ của Mỹ với châu Á. Đây cũng là khu vực có một số quốc gia liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Phát biểu với báo chí tại phòng Bầu dục, ông Obama nói, hai nhà lãnh đạo đề cập tới việc “cố gắng đảm bảo rằng, chúng tôi có một tập hợp các quy định quốc tế, quy chuẩn trong quản lý tranh chấp hàng hải trong khu vực”. 

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc đảm bảo tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở”.


Tổng thống Obama bắt tay Tổng thống Aquino tại Nhà Trắng

Ông Aquino và ông Obama kêu gọi dùng ngoại giao để giải quyết tranh chấp lãnh thổ “mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực”. 

Biển Đông là khu vực diễn ra xung đột chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước châu Á. Trong đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển, kể cả những khu vực sát cạnh bờ biển nước khác. Căng thẳng trong vùng biển đã leo thang vài năm gần đây.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước đó đã bày tỏ sự tin tưởng với Tổng thống Aquino là căng thẳng sẽ được tháo gỡ. Mỹ và Philippines đã ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tăng cường lực lượng tình nguyện viên của Peace Corps ở Philippines.

Theo giới phân tích, chuyến thăm của ông Aquino mang tính biểu tượng cao khi nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ tin rằng, nó sẽ đem sức sống cho mối quan hệ song phương thông qua việc giải quyết các vấn đề khó khăn. Gần đây, ông Aquino đã giành chiến thắng lớn trong chiến dịch chống tham nhũng bằng cách sa thải thẩm phán tối cao. Ông cũng cam kết tạo điều kiện co quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn theo hình thức luân phiên ở Philippines.

"Tôi luôn nhận thấy Tổng thống Aquino là một đối tác rất chu đáo và hữu ích”, ông Obama nói. "Và tôi nghĩ kết quả cuộc họp hôm nay, nơi chúng tôi thảo luận không chỉ về các vấn đề quân sự và kinh tế mà còn nhiều vấn đề khu vực như cố gắng đảm bảo rằng, chúng tôi có một tập hợp các quy định quốc tế, quy chuẩn trong quản lý tranh chấp hàng hải trong khu vực. Điều đó khiến tôi rất tin tưởng chúng tôi sẽ tiếp tục nhìn thấy tình hữu nghị và hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước”, ông tuyên bố. 

Về phần mình, ông Aquino nói, cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ “đã đào sâu và củng cố mối quan hệ rất lâu năm mà chúng tôi có, đặc biệt là khi đối mặt với các thách thức trong tình hình hiện nay”. 

Cả Ngoại trưởng Clinton và Tổng thống Obama đều thể hiện sự ủng hộ với các nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển nắm giữ một nửa dòng chảy thương mại thế giới.

ASEAN và Trung Quốc năm 2002 đã thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử, nhưng từ đó tới nay không có nhiều tiến triển. Trung Quốc đang trỗi dậy thiên về đàm phán với ừng nước thay vì thỏa thuận với một khối thống nhất.

Trong tuyên bố, ông Obama còn cam kết Mỹ ủng hộ các nỗ lực của ông Aquino để cải thiện quân đội Philippines và xây dựng một “khả năng phòng thủ tối thiểu đáng tin cậy”. 

Kể từ đầu năm nay, Washington đã bắt tay tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ ở châu Á. Chỉ riêng trong tuần tới, Mỹ sẽ chào đón các chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan.

Ở một tin khác liên quan tới tranh chấp Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony đã tuyên bố, Ấn Độ tin tưởng vào tự do hàng hải “không bị cản trở” tại các vùng biển quốc tế. Ông Antony cho biết: “Tự do (hàng hải ở các vùng biển quốc tế) phải tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế”. 

Thái An (theo indiatimes, hindustantimes)