- Không chỉ có số DN giải thể, phá sản hiện chiếm đến 14,8% - con số được cho là "tăng đột biến", nhiều ĐBQH thúc giục Chính phủ cần có những giải pháp mạnh tay hơn, mở rộng diện hỗ trợ, để cứu nhiều DN vừa và nhỏ đang sống "thoi thóp". ĐB cảnh báo, nếu không có giải pháp mạnh, số DN giải thể sẽ còn cao.
Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012.
Chưa công bằng
Về đề nghị của Chính phủ miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng - "ưu đãi" được hiểu chỉ dành cho các DN đang hoạt động và có cơ hội có lãi, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhận xét: "Nếu giải pháp giảm như vậy thì phạm vi quá hẹp, chưa đảm bảo công bằng giữa các DN, giữa các ngành nghề".
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ. Ảnh: Minh Thăng |
Theo ĐB, các DN gặp khó khăn phần lớn đang sống thoi thóp, nếu không có giải pháp mạnh thì số lượng giải thể, phá sản sẽ còn tăng hơn nữa. Kéo theo đó, lao động mất việc làm, tệ nạn xã hội sẽ gia tăng.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng gói giải pháp nhìn chung chỉ mang tính khích lệ tinh thần, còn tác động thực tế chưa thực sự nhiều. Gói hỗ trợ về thuế chủ yếu chỉ là hỗ trợ đầu ra. Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế chỉ có tác dụng với DN có lãi mà không tác động tới đại bộ phận đang phải vật lộn với chi phí đầu vào quá cao.
Theo bà Hải, số lượng DN được hưởng gói giải pháp của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi gần 40% DN khác có tiềm năng phát triển nhưng gặp khó khăn nhất thời vì điều kiện khách quan lại không được hỗ trợ.
ĐB Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Minh Thăng |
Do đó, đại biểu đề xuất giảm thuế VAT và kiểm soát giá chặt chẽ với các DN cung ứng hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất như điện, than, dầu khí, xi măng, sắt thép; miễn giảm hoặc giãn nộp thuế đối với doanh nghiệp có nhiều hàng tồn kho.
Nhiều ĐB cũng kiến nghị Chính phủ việc xem xét lại tiêu chí đánh giá DN vừa và nhỏ được hưởng hỗ trợ như theo nghị định 56 năm 2009 của Chính phủ. Theo đó, tiêu chí để xác định đối tượng là DN vừa và nhỏ dựa trên quy mô tổng tài sản và tổng số lao động bình quân trong năm.
Trong đó, vốn là tiêu chí ưu tiên. Nghị định thay vì quy định lấy vốn điều lệ hoặc vốn của chủ sở hữu làm tiêu chí xét duyệt thì lại lấy giá trị tổng tài sản, tức là bao gồm cả vốn của chủ sở hữu lẫn vốn vay, vốn huy động từ các nguồn khác luôn thay đổi qua những thời điểm hoạt động của DN làm cơ sở.
Tiêu chí này làm nảy sinh thực tế DN có lọt vào diện miễn, giảm hay không còn phụ thuộc vào khả năng thương lượng. Do đó, có thể phát sinh cơ chế xin - cho.
Mù cho kính gặp vàng chẳng ích gì
ĐB Trần Du Lịch phân tích, năm 2011 do đặc điểm DN kinh doanh quá dài trong giai đoạn tăng trưởng, kinh doanh dựa trên nợ là chủ yếu chứ không phải dựa vào vốn chủ sở hữu.
Do đó, năm 2011, thậm chí khi lãi suất cao cũng phải vay và tổng chi phí tài chính phải trả, nôm na là nợ lên đến 580 ngàn tỷ đồng, tương đương 29 tỷ đô la, tăng 50% so với 2010. Đây là một gánh nặng và cũng giúp cho ngân hàng, tức là lợi nhuận ngân hàng năm 2011 tăng 45%, 70% số tăng này dựa vào cho vay.
Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên mặt tích cực là nhờ ngân hàng lợi nhuận 45% trước thuế nên với nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, phần lãi này đã chuyển đưa quỹ dự phòng làm giảm nguy cơ đổ bể, nợ xấu.
"Một số DN nói với tôi rằng tôi làm gì có lợi nhuận mà giảm thuế chẳng khác gì tôi mù anh cho tôi đôi kính dù có gặp vàng cũng chẳng lợi ích gì. Cho tôi cây gậy để tôi dò đường tôi đi" - ĐB nêu vấn đề.
Theo ĐB, "cây gậy" đó là đối với một số lĩnh vực phải giảm VAT, đối với hàng tồn kho, nông sản, hiện nay giá nông sản giảm làm CPI giảm, đó là điều không đáng mừng tý nào, về bản chất nước ta vẫn là nước nông nghiệp. Do đó, rà soát lại tất cả liên quan đến giá nông sản, vật tư sản xuất nông nghiệp, một số hàng tiêu dùng tồn kho là cần giảm hoặc miễn VAT có thời hạn để kích thích thị trường. ĐB kiến nghị nghị quyết đưa thêm vấn đề là giảm, miễn thuế thu nhập cá nhân hết bậc 1 như năm 2011.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho hay, số đăng ký tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn lên tới 18.700 DN, số phá sản và ngừng hoạt động gần 13.500 DN, tăng 14,8%. Có 15/21 ngành, nghề giảm doanh thu, nhiều DN đã chết, đang chết và sắp chết, điều đó cho thấy nền kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng.
Ông cho rằng, ưu điểm của Chính phủ là đã ra được gói giải pháp để giúp đỡ DN và hỗ trợ thị trường. Nhưng "khuyết điểm" của Chính phủ là gói cứu trợ chậm, song chậm còn hơn không.
Song nhìn lại 5 năm vừa qua, ĐB nói nền kinh tế của đất nước phát triển bấp bênh: "Năm 2007 chúng ta đầu tư quá mức đã gây ra lạm phát. Khi lạm phát thì lại đưa kiềm chế lạm phát. Kiềm chế lạm phát sau đó kinh tế bị suy giảm. Kinh tế suy giảm thì lại đưa gói kích cầu. Kích cầu thì đến năm 2011 lại lạm phát, tức là trong một vòng xoáy luẩn quẩn. Tôi cho đây là một vấn đề Chính phủ cần phải nhìn nhận nghiêm túc, để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững".
Linh Thư