- Trả lời  ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) ở phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lạc quan: Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. 

ĐB Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) đặt vấn đề, hiện nay kinh tế có dấu hiệu suy giảm. DN phá sản, hàng tồn kho nhiều, thất nghiệp tăng, đời sống nhân dân khó khăn… Chính phủ có giải pháp gì? Liệu có kích cầu để đảm bảo tăng trưởng như Nghị quyết của QH? Nếu có thì bao giờ thực hiện?

Trả lời, Phó Thủ tướng nêu lại một số giải pháp của Chính phủ, trong đó có gói hỗ trợ DN, miễn giảm thuế.

Với câu hỏi liệu đó có phải là kích cầu không, Phó Thủ tướng khẳng định: Đó chỉ là các biện pháp hỗ trợ thôi, không phải kích cầu.

Với các giải pháp này, nếu thực hiện tốt, chúng ta vẫn có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra (GDP tăng 6%, lạm phát 7-8% trong năm nay), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đoan chắc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để có kẽ hở cho tham nhũng

Trong khi đó, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu mối lo về khả năng lạm phát quay trở lại khi Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ.

Phó Thủ tướng khẳng định gói hỗ trợ 29.000 tỉ từ trái phiếu chính phủ vừa qua nằm trong chương trình, kế hoạch chứ không phải bất ngờ. Kể cả 29.000 tỉ nếu được Quốc hội thông qua về miễn giảm thuế, trong số đó có hỗ trợ kết hợp chặt chẽ chính sách, đặc biệt chính sách tài khóa, tiền tệ ổn định hơn để lạm phát không quay trở lại.

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là “nhất quán chỉ đạo của Chính phủ, chứ không phải coi trọng tăng trưởng bỏ qua mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ông khẳng định.

“Chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, dứt khoát điều hành của Chính phủ không để lạm phát quay trở lại”.

ĐB Phạm Tất Thắng cũng đề nghị Phó Thủ tướng cho biết liệu nền kinh tế có bước vào suy giảm không, mức độ thế nào. Nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất chưa?

Phó Thủ tướng lạc quan: Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.

Ông giải thích, quý I tăng trưởng 4% thấp nhất, nhiều DN giải thể, dừng sản xuất kinh doanh. Nhưng quý II, tăng trưởng khá hơn, số DN tháng 5 ít giải thể, phá sản hơn, hàng tồn kho ít hơn.

Đẩy mạnh văn hóa, giáo dục

Một số đại biểu cũng chất vấn Phó Thủ tướng về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đang trình QH.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng đề án này còn nhiều nội dung không rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện và triển khai. Bà Khánh quan ngại khi cụm từ “có thể” lặp đi lặp lại nhiều lần và băn khoăn liệu Thủ tướng, Chính phủ đã tự tin với tính khả thi của đề án, khi để ngỏ quá nhiều khả năng.

Bà Khánh phân tích, với nguồn lực hạn hẹp, nhiều nội dung chưa được thí điểm, nếu làm không thành công sẽ thế nào? Trách nhiệm Chính phủ ra sao?

ĐB Nguyễn Văn Tuyết: Chưa thấy biện pháp đột phá cho văn hóa, giáo dục, phúc lợi, an sinh xã hội

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét chưa thấy các biện pháp đột phá cho văn hóa, giáo dục, phúc lợi, an sinh xã hội…

Hứa “sẽ tiếp thu những mặt tồn tại của đề án”, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ và các cơ quan đã rất cố gắng. QH sẽ có kết luận về đề án, để trên cơ sở đó Chính phủ bổ sung chủ trương, biện pháp, làm sao sớm tái cơ cấu nền kinh tế.

Phó Thủ tướng cũng nói Chính phủ coi trọng để hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh trong tái cơ cấu.

“Chính phủ hiểu rằng bản chất của tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực, đem lại hiệu quả cao hơn, trong đó có nguồn lực lao động, để khai thác tối đa nguồn lực lao động”, Phó Thủ tướng nói, “Muốn làm vậy phải đẩy mạnh văn hóa, giáo dục, đào tạo…”.

Đề án hiện chưa dành kinh phí cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội, Phó Thủ tướng ghi nhận đóng góp của đại biểu. Đây là vấn đề quan trọng, cần có ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính cũng đã báo cáo về chương trình ODA hỗ trợ các vấn đề xã hội trong tái cơ cấu, Phó Thủ tướng nói.

Với các giải pháp nêu trên, ông Nguyễn Xuân Phúc tin rằng trong tái cơ cấu, các vấn đề xã hội sẽ được quan tâm giải quyết. Việc này sẽ được báo cáo hàng năm với QH cũng như sẽ được đề cập đúng mức trong thảo luận ngân sách.

P.Loan - X.Linh - T.Chung - Ảnh: Q.Khánh