- Với tuyệt đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, từ 1/5/2013, lao động nữ được nghỉ 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay.
466/467 đại biểu đã bỏ phiếu thuận cho Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bộ luật lớn và quan trọng này sẽ phải chờ Chính phủ ban hành hơn 20 nghị định hướng dẫn thi hành, do đó đến ngày 1/5/2013 mới chính thức có hiệu lực.
Ảnh: Minh Thăng |
Như vậy, từ thời điểm đó lao động nữ mới được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nữ khi có điều kiện
Những ý kiến tranh cãi khá gay gắt về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ “được UB Thường vụ QH tiếp thu và đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất QH điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi có đủ điều kiện”.
Bộ luật cũng cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhóm lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, làm cơ sở để trong tương lai điều chỉnh tổng thể tuổi nghỉ hưu.
Về mức lương tối thiểu, bộ luật quy định thống nhất “là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.
Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo bộ luật, Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương. Chính phủ được giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng này.
Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Trong chiều nay, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật phòng chống tác hại thuốc lá với tỉ lệ 88,18% tán thành.
Chung Hoàng