- Nội thành các thành phố lớn được phạt tiền cao hơn tối đa không quá 2 lần mức phạt chung, ở 3 lĩnh vực: giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội.

QH chiều nay (20/6) đã thông qua luật Xử lý vi phạm hành chính với gần 86% phiếu thuận. Luật này giữ nguyên quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng và đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.

Khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương được phép phạt tiền cao hơn tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung, trong 3 lĩnh vực cụ thể là giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Một ngày trước phiên bế mạc kỳ họp, các đại biểu ấn nút thông qua nhiều dự án luật. Ảnh: Minh Thăng
Đồng thời, không phải ở các khu vực này đều áp dụng mức phạt cao gấp 2 lần mà tùy theo điều kiện thực tế, yêu cầu quản lý kinh tế xã hội đặc thù của địa phương mình, căn cứ hành vi do Chính phủ quy định, HĐND thành phố trực thuộc trung ương sẽ quy định mức phạt tiền cao hơn, có thể là cao hơn 2 lần, nhưng cũng có thể là 1,5 lần, 1,2 lần hoặc so với mức quy định áp dụng chung của cả nước.

Luật đã bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. “Buộc lao động phục vụ cộng đồng” cũng không được bổ sung vào các hình thức xử phạt trong luật.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

Nhà nước định giá bán lẻ điện

Toàn bộ 476 ĐB có mặt tại hội trường QH cũng đã biểu quyết thông qua luật Giá.

Trong số các hàng hóa, dịch vụ được bình ổn giá phải kể đến: xăng, dầu thành phẩm, điện, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường, thóc, gạo tẻ thường, thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu...

Nhà nước thực hiện bình ổn khi giá các hàng hóa, dịch vụ này biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Nhà nước định mức cụ thể đối với giá truyền tải điện, trong khi định khung đối với giá phát điện, giá bán buôn điện và mức giá bán lẻ điện bình quân.

Nhà nước cũng định khung và giá cụ thể đối với đất đai, mặt nước, nước ngầm, nước sạch sinh hoạt, rừng; giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được xây dựng chi từ nguồn ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước.

Luật Giá có hiệu lực từ đầu năm 2013.

Lao động nước ngoài không được gia nhập công đoàn

Hơn 74% số ĐB đồng ý phương án không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Như vậy, lao động nước ngoài theo luật không có quyền trở thành công đoàn viên Việt Nam.

Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi được thông qua giữ nguyên quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chứ không phải quỹ lương thực trả.

Tên gọi “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cũng sẽ được giữ chứ không đổi thành “Tổng Công đoàn”.
Luật này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm sau.

Trong chiều nay, QH cũng thông qua luật Giám định tư pháp và luật Phổ biến giáo dục pháp luật.

Chung Hoàng