Mỹ cho biết đã nhìn thấy động lực trong các cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và Đông Nam Á về việc nhất trí bộ quy tắc ứng xử để tháo gỡ và giải quyết các xung đột xung quanh cạnh tranh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á. Ảnh: wordpress

Biển Đông dường như là tâm điểm trong chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tháng tới sẽ đến Campuchia dự hội đàm ASEAN với các cường quốc trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc.

Ông Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á cho hay, ông hiểu rằng, một đề xuất dự thảo về bộ quy tắc ứng xử đã được thảo luận và rằng Mỹ mong đợi biết chi tiết hơn ở hội nghị tại Campuchia.

"Những gì chúng ta chứng kiến là sự gia tăng các hoạt động ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc về những khía cạnh liên quan tới khả năng một bộ quy tắc ứng xử”, ông Campbell nói tại một cuộc họp ở Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. "Tôi sẽ nói rằng, chúng ta thực sự ấn tượng với mức độ tập trung cao đặc biệt là ASEAN dành cho vấn đề này”, ông nhấn mạnh.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ không cung cấp thêm chi tiết về dự thảo bộ quy tắc ứng xử và thừa nhận, các tranh chấp ở Biển Đông là “đầy khó khăn”. Ông nói: "Nó thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở khắp khu vực và giải quyết vấn đề ấy đòi hỏi sự cực kỳ khéo léo”.

ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002 đã đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử, tuy nhiên không đạt được nhiều tiến triển từ đó tới nay với thực tế Trung Quốc ngày càng mong muốn thương thảo với các nhân mỗi nước liên quan thay vì với một khối thống nhất.

Các ngoại trưởng tham dự  hội nghị ASEAN vào tháng 4 tại Phnom Penh cho biết, họ hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách và ký kết một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc vào cuối năm nay.

Mỹ gần đây đã nỗ lực mở rộng quan hệ và sự hiện diện quân sự trong khu vực, thực thi một phần những gì mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama gọi là tăng cường tập trung của Mỹ với châu Á.

Chi tiết bộ quy tắc ứng xử vẫn được giữ kín. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu tại Đối thoại thường niên Shangri-La ở Singapore ngày 2/6 rằng, bộ quy tắc cần đưa ra “khuôn khổ dựa trên các quy định” có tính ràng buộc để ngăn chặn và quản lý tranh chấp.

Tại diễn đàn ASEAN năm 2010, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố, Mỹ có một “lợi ích quốc gia” trong việc tiếp cận cởi mở ở Biển Đông – vùng biển nắm hơn một nữa dòng chảy thương mại thế giới.

Theo ông Campbell, bà Clinton có thể thăm Lào. Nếu được xác nhận, đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Lào kể từ năm 1975. Ông Campbell và thứ trưởng ngoại giao Lào Bounkeut Sangsomsak đã gặp nhau hôm thứ tư tại Washington và thảo luận về các vấn đề hợp tác gồm y tế, giáo dục, thực thi luật pháp, chống buôn lậu…

Thái An (theo straitstimes)