- Các ý kiến tại Hội nghị lần thứ 9 của Đoàn Chủ tịch UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII ngày 28/6 đề cập vai trò phản biện của MTTQ trong việc sửa đổi luật phòng, chống tham nhũng, vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, lên tiếng những vấn đề nóng bỏng mà nhân dân quan tâm...

Một trong những nội dung làm việc của hội nghị thường kỳ này tập trung vào báo cáo công tác của Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Song ông Lê Truyền, ủy viên Đoàn chủ tịch thẳng thắn nhận xét: “Cuộc sống có bao nhiêu vấn đề nóng bỏng, gay gắt nhưng báo cáo cứ êm ả, xuôi chiều thế này không ổn”.

Theo ông Lê Truyền, Mặt trận muốn hoàn thành nhiệm vụ là người phản ánh tâm tư nguyện vọng của toàn dân thì cần có những cuộc khảo sát, điều tra, nghiên cứu để đánh giá đúng về ý kiến nhân dân, phản ánh một cách thuyết phục, cụ thể. “Mặt trận phải nắm được, đo đếm được suy nghĩ của dân”, ông Truyền cho hay chỉ cần "ngồi taxi hoặc hàng nước là nghe được dân nghĩ gì”.

Ông Lưu Văn Đạt: 6 tháng đầu năm nay có những chuyện “động trời".

Dù báo cáo của Mặt trận phản ánh vấn đề từng nêu nhiều lần là đời sống người dân khó khăn, nông dân, công nhân, công chức đều sống chật vật..., song Chủ nhiệm HĐ tư vấn Dân chủ và Pháp luật của MTTQ Lưu Văn Đạt cho rằng để đánh giá đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân trong 6 tháng đầu năm nay cần lưu ý những điểm mới, thậm chí là những điểm “động trời chứ không bình thường”.

Báo cáo, theo đó, không thể không đề cập những vụ việc ở Tiên Lãng, Văn Giang, hay những kết luận quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 và 5... Đất đai cũng là một trong những bức xúc lâu nay mà báo cáo của Mặt trận cần nhấn mạnh.

GS.VS Nguyễn Duy Quý, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội VN nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng nhất của MTTQ là phản biện xã hội và giám sát xã hội. Dù chưa có tổ chức và quy định cụ thể từ phía nhà nước, MTTQ vẫn phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình.

Nghe những bất an trong dân, GS.TS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng Mặt trận lên tiếng, trong một số việc quan trọng, “còn chưa đủ”. "Như nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến phẩm chất và năng lực của các cán bộ lãnh đạo khiến người dân bức xúc, Mặt trận vừa là người truyền tải ý kiến của lãnh đạo đến dân, còn phải thay dân góp ý sửa sai cho lãnh đạo", bà Châu nói. “Chỉ cần có chuyển biến là dân sẽ lại tin”.

GS.VS Nguyễn Duy Quý: Nên có tuyên bố của MTTQ Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Về chống tham nhũng, ông Lưu Văn Đạt phản ảnh ý kiến từ nhân dân, cho rằng “có chuyển động nhưng chưa làm được bao nhiêu”. “Thậm chí trong dân vẫn râm ran giá mua các chức vụ từ cao đến thấp trong các cơ quan công quyền... Không thể cứ nói chưa có bằng chứng thì chưa tin, mà phải mạnh dạn nhận diện và xử lý một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất trong lần chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 này”.

Ông Đạt nhấn mạnh Mặt trận phải góp phần sửa đổi luật phòng, chống tham nhũng. Cũng như trong vấn đề Biển Đông, tiếng nói của Mặt trận, đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, là rất quan trọng.

Chủ tịch HĐ tư vấn về dân tộc của MTTQ, ông Lù Văn Que cũng chỉ ra dân đang lo lắng về Biển Đông, nhấn mạnh Mặt trận “phải có ý kiến để dân hiểu đúng về thái độ của chúng ta”. GS.VS Nguyễn Duy Quý còn khẳng định nên có tuyên bố của MTTQ Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng