- Các vùng biển ở châu Á – Thái Bình Dương đang nóng lên với những cuộc tập trận hải quân. Dẫn đầu là tàu sân bay hạt nhân USS George Washington, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện diễn tập hải quân lớn chưa từng có ngày 21-22/6 ở vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên.

Ngay lập tức sau cuộc tập trận ba bên, hải quân Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục thực hiện cuộc tập trận song phương từ thứ bảy – thứ hai ở Hoàng Hải.

Gọi Nhật Bản và Hàn Quốc là “đồng minh trụ cột” của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear – Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ mô tả cuộc diễn tập ba bên là “cơ hội tốt cho cả Nhật Bản và Hàn Quốc để làm việc chặt chẽ hơn cùng nhau với sự giúp đỡ của chúng tôi”. Thông qua những hoạt động này, đô đốc Locklear bày tỏ hy vọng hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được thắt chặt và rằng Mỹ cùng hai đồng minh chủ chốt ở Đông Á sẽ hình thành mối quan hệ mạnh mẽ hơn “về lĩnh vực quân sự”. 

Ảnh: wordpress

Bắc Kinh lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ về các cuộc tập trận hải quân chung. "Trung Quốc mong muốn cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương”, người phát ngôn Lưu Vị Dân của bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “phải thực hiện các động thái để tăng cường hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên và ở Bắc Á chứ không phải đối đầu”.

Giới phân tích coi cuộc tập trận hải quân tháng 6 của Mỹ Nhật Hàn là phản ứng liên quan với cuộc tập trận hải quân Nga – Trung ngày 22-27/4. Cuộc tập trận Nga – Trung hồi tháng 4 diễn ra ở Hoàng Hải, bao gồm 6 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, các tàu khu trục lớp Udaloy của Nga và 16 tàu khu trục, tàu ngầm Trung Quốc. Đây còn là cuộc diễn tập song phương đầu tiên của hải quân hai nước. "Cuộc diễn tập thể hiện cho quyết tâm không lai chuyển trong việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược của hai chính phủ”, tướng Trần Bỉnh Đức – Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nói "và thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa quân đội hai nước, tăng cường khả năng đối phó với các nguy cơ mới trong khu vực của hải quân hai nước”.

Các cuộc tập trận hải quân thường đóng vai trò chính trong việc đưa ra tín hiệu ngoại giao. "Các cuộc diễn tập này”, Stephen Blank của Qũy Jamestown viết, "xuất hiện trong bối cảnh ngày càng gia tăng các hoạt động tập trận tại châu Á của Trung Quốc, của Mỹ và các lực lượng châu Á giữa lúc Mỹ thay đổi chiến lược hướng tập trung hơn vào Đông Á – sự thay đổi mà Bắc Kinh công khai gọi là động thái thù địch. Các phương tiện truyền thông quân đội Trung Quốc đã đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh đối lập với Mỹ của cuộc diễn tập Trung – Nga. Bình luận của ông Trần Bỉnh Đức cho thấy sự sẵn sàng hơn của quân đội Trung Quốc trong việc áp dụng thái độ cứng rắn hơn với Mỹ".

Căng thẳng đang gia tăng không chỉ ở Hoàng Hải, hay Đông Bắc Á mà còn ở Biển Đông. Vào ngày 21/6, nội các Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).

Khi Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa hải quân với tốc độ cực kỳ nhanh chóng và đưa ra yêu sách chủ quyền với hơn 90% Biển Đông, thì cuộc chiến tranh chấp chủ quyền hàng hải luôn trở nên nóng hổi. Tranh chấp Biển Đông trở thành tâm điểm chương trình nghị sự an ninh của châu Á trong khi tốc độ quân sự hóa tranh chấp tiếp tục được đẩy mạnh.

Từ Hoàng Hải tới Biển Đông, Thái Bình Dương đã trở thành “Vùng biển của những căng thẳng”. Và như Ross Babbage, nhà sáng lập Qũy Kokoda tại Canberra chỉ ra rằng: “"Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào tất cả các khả năng để làm suy yếu sự hiện diện Mỹ tại Tây và trung tâm Thái Bình Dương. Đây là thách thức cơ bản với Mỹ ở châu Á”.

Và Mỹ đang phản ứng trở lại. “Không có sai lầm”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La – một hội nghị an ninh thường niên ở Singapore có sự tham dự của các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, “quân đội Mỹ đang tái cân bằng và mang khả năng được tăng cường phát triển tới khu vực quan trọng này”. Trong một phần chiến lược “trục xoay” về châu Á, ngày 2/6, ông Panetta tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 rằng, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng tàu chiến tới châu Á – Thái Bình Dương bao gồm 6 tàu sân bay và lượng lớn các tàu tuần duyên, khu trục, tàu ngầm… của hải quân Mỹ.

Cam kết mới của Mỹ với những mối quan hệ quốc phòng ở châu Á – Thái Bình Dương nhận được sự hoan nghênh mạnh mẽ của nhiều nước trong khu vực.

Tuy nhiên, khi Washington tăng tốc cuộc tái cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng hướng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh dường như phản đối mạnh hơn. Nỗ lực mở rộng sức mạnh quân sự và các tham vọng lãnh thổ dài hạn của Trung Quốc; chính sách “trở về châu Á” của Mỹ với vai trò dẫn dắt tiên phong sẽ đặt hai cường quốc vào một con đường dẫn tới đụng độ ở các vùng biển châu Á – Thái Bình Dương.

Thái An (theo lancastereaglegazette)