Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay cho biết có thể đề nghị Mỹ triển khai các máy bay do thám tới Biển Đông để giúp giám sát các khu vực tranh chấp.


Ảnh: southasiaanalysis

"Chúng tôi có thể yêu cầu các chuyến bay do thám", ông Aquino nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters khi đề cập tới máy bay do thám P3C Orion của Mỹ. "Chúng tôi không có máy bay với những khả năng này".

Theo giới phân tích, đây là động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc.

Ở một tin tức liên quan, trong khi cam kết hỗ trợ tàu chiến và rađa giúp Philippines phòng thủ và bảo vệ các lợi ích hàng hải ở Biển Đông, Mỹ giờ đây lại đang đề xuất việc mua sản phẩm chuối xuất khẩu của Philippines. Đây là mặt hàng từng bị đem ra "mặc cả" khi tranh chấp leo thang giữa Trung Quốc và Philippines về bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Đại sứ Jose L. Cuisia Jr. đã cung cấp các kết quả đạt được trong buổi gặp gỡ giữa Tổng thống Aquino với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng gần đây. Ông Cuisia mô tả chuyến công du tới của ông Aquino "rất được hoan nghênh và rất thành công" tuy có một số thỏa thuận chưa thống nhất vào thời điểm hai nhà lãnh đạo gặp nhau ngày 8/6.

Một trong những thỏa thuận này là chương trình an ninh lương thực và tiếp cận thị trường mở đường cho Philippines xuất khẩu chuối sang Mỹ. Việc xuất khẩu mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines đã gặp trục trặc khi nước này có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông và làm ảnh hưởng tới 200.000 nông dân. Tuy nhiên, "cuộc chiến chuối" chỉ lên tới đỉnh điểm khi căng thẳng bùng nổ giữa hai nước tại bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon, Philippines 120 hải lý.

Trung Quốc tuyên bố từ chối các lô hàng chuối nhập khẩu với lý do bị nhiễm bẩn. Tuy nhiên rất nhiều người ở Philippines tin rằng, đây là sự trả đũa cho hành động của Manila khi khẳng định chủ quyền ở bãi cạn Scarborough.

Những nhà nghiên cứu Trung Quốc kỳ cựu nhấn mạnh rằng, nước khổng lồ ở châu Á có thói quen áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại láng giềng khi xảy ra tranh chấp. Họ đưa ra vụ tranh chấp lãnh thổ gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc đã từ chối xuất khẩu đất hiếm sang Nhật. Đất hiếm là thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm công nghệ cao của Nhật.

Thái An (theo Reuters, abs-cbnnews)