- Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều nay (3/7), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh các yêu cầu khi tăng giá điện: công khai, minh bạch, đúng pháp luật và không ảnh hưởng đến người nghèo.

Ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ nhận định nền kinh tế đã định hướng thị trường XHCN nhưng vẫn còn một số vấn đề trong quản lý kinh tế, cả vĩ mô và vi mô, chưa thực sự theo cơ chế thị trường, như giá cả một số mặt hàng thiết yếu liên quan đến đại đa số người dân: xăng dầu, điện…

“Trong khó khăn chung của nền kinh tế, phải tập trung kiềm chế lạm phát, ta vẫn phải hướng tới mục tiêu dài hạn, căn bản là đưa các yếu tố này về đúng quy luật thị trường định hướng XHCN”, ông Đam nói.

Theo phân tích của Chủ nhiệm VPCP, giá điện Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước, bán ra dưới giá thành, đương nhiên các doanh nghiêp với tư duy lợi nhuận là trên hết không dại gì đầu tư các vào công nghệ tiết kiệm điện. Ông Đam chỉ ra các ngành tiêu thụ nhiều điện và ô nhiễm như cán thép nóng, xi măng…, đang được lợi từ giá điện thấp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Chính phủ rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Từ đó dẫn đến không chỉ méo mó trong hạch toán ở một số ngành sản xuất, mà về lâu dài nếu không điều chỉnh, trình độ sản xuất công nghệ chung của nền kinh tế là không tiếp kiệm năng lượng, không phát triển bền vững”, ông Đam nói. “Nếu hạch toán đầy đủ giá điện thì kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành cũng sẽ công bằng hơn”.

Tuy nhiên, cần có lộ trình cho việc đưa giá điện về đúng quy luật thị trường và bán điện cạnh tranh cho người dân, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.

Ông Đam nhắc lại các yêu cầu của của Chính phủ đối với việc điều chỉnh giá điện: công khai, minh bạch về giá thành, lỗ lãi, lý do tăng giảm; đúng quy định pháp luật và thẩm quyền, không được ảnh hưởng đến người nghèo, người khó khăn và những đối tượng cần khuyến khích, nếu ảnh hưởng phải có giải pháp bù đắp.

Với lần tăng giá từ 1/7 này, trước nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp về hệ luỵ của nó đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân, nhất là trong lúc kinh tế đang khó khăn.

Nhưng Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nhau nỗ lực, Chủ nhiệm VPCP nói.

Giá điện tăng từ 1/7. Ảnh: Bình Minh

Ông Đam chỉ ra, giá điện sinh hoạt ở mức sử dụng dưới 50kW không tăng nên chỉ một bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Đại diện Bộ Công thương thì trấn an “giá điện tăng 5% thì với các ngành sử dụng nhiều điện nhất như hoá chất và luyện kim, giá thành sản phẩm cũng chỉ tăng 0,5% do tiền điện chỉ chiếm 10% giá thành”, nếu doanh nghiệp điều chỉnh thời gian sử dụng điện và áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí quản lý, việc tăng giá điện chỉ tác động rất nhỏ đến giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Đam cho biết đã yêu cầu Bộ Công thương và ngành điện rút kinh nghiệm: khi tăng giá ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội, ngoài việc công khai minh bạch như trên, còn phải tổ chức tuyên truyền để nhân dân và doanh nghiệp hiểu và chuẩn bị sẵn sàng.

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng nhắc Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi tăng giá điện phải có họp báo, thông báo với báo chí theo đúng quy chế cung cấp thông tin của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết thêm, tới đây xăng dầu và các mặt hàng khác theo đúng lộ trình của Chính phủ cũng sẽ trở về quy luật thị trường, để có một cơ cấu giá hợp lý, khuyến khích nhân dân và doanh nghiệp phát triển đúng định hướng.

DNNN phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Về việc sửa đổi Nghị định 132 về trách nhiệm quản lý nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đam khẳng định có nhiều điểm mới.

Các DNNN sẽ phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, “những ngành nghề được xác định rằng để nền kinh tế phát triển bền vững, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế thì nhà nước vẫn phải nắm”. “Những đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là vào những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản… phải thoái vốn”, ông nhấn mạnh.

Đầu tư ngoài ngành không hiệu quả dẫn đến mất vốn cũng là bất cập nổi bật trong việc quyền tự chủ của DNNN được nâng lên sau khi bỏ chế độ chủ quản và lập các bộ đa ngành. “Sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm chủ sở hữu trước nhà nước về bảo toàn và phát triển đồng vốn của HĐQT doanh nghiệp, Bộ Tài chính và bộ quản lý chuyên ngành”.

Chủ nhiệm VPCP cho biết Chính phủ ghi nhận và sẽ nghiên cứu ý tưởng thành lập một cơ quan ngang bộ chuyên quản các DNNN, song khi chưa có đủ căn cứ thuyết phục về mô hình này, Bộ Tài chính đang trình đề án về một cơ quan thuộc bộ quản lý vốn nhà nước tại các DNNN, nâng tầm từ một cơ quan đã có, “là người của Bộ Tài chính nằm tại doanh nghiệp, ăn lương Bộ Tài chính, theo dõi giám sát tình hình của doanh nghiệp”.

Ông Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành trong một số khâu của quy trình bổ nhiệm cán bộ vì “đây là người theo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hơn bất kỳ cơ quan nào khác của Chính phủ”.

Chung Hoàng