Sáng 5/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về tổng kết 4 Nghị quyết (21, 37, 39, 53) của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 4 vùng (đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung du và miền núi phía Bắc).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

Nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết ở các địa phương, Bộ Chính trị nhận định việc ban hành các nghị quyết của Bộ Chính trị là cần thiết, kịp thời và phù hợp, với nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, làm cơ sở cho Chính phủ chỉ đạo, các tỉnh ủy, thành ủy và các bộ, ngành nỗ lực thực hiện, góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh ở các vùng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân của các vùng đều cao hơn mức bình quân của cả nước và vượt so với mục tiêu các Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng khá cao, đồng bằng sông Cửu Long tăng 2,5 lần, khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ tăng 3,6 lần so với năm 2004, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng 5,5 lần so với năm 2000, khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 48,6 triệu đồng trong khi mức bình quân cả nước là 22,8 triệu đồng.

Phát huy thế mạnh từng vùng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, như kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của từng vùng, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết chưa đạt được. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, quy mô sản xuất còn manh mún, thiếu bền vững, hiệu quả. Tốc độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu chậm, chất lượng thấp, tính kết nối, tính đồng bộ còn hạn chế. Tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu trông chờ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đầu tư không tập trung dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất còn nhiều yếu kém...

Còn nhiều quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương chưa được xây dựng hoặc phê duyệt. nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm quy hoạch hoặc không đủ nguồn lực để quy hoạch hoặc thực hiện quy hoạch. Công tác giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nguồn nhân lực... còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình quốc tế và trong nước, những đặc điểm riêng của từng vùng, Bộ Chính trị nhất trí cao việc ban hành các Kết luận riêng về từng vùng, trên cơ sở tổng kết nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2020, nhằm phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh và khắc phục khó khăn, thách thức riêng của từng vùng.

Trong giai đoạn tới, các vùng cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã đề ra; phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bộ Chính trị nhất trí cho rằng cả 4 vùng đều cần tập trung thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp: sớm hoàn thành việc xây dựng, rà soát và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, trọng tâm là chính sách, pháp luật về đất đai, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, phát triển các ngành kinh tế, nhất là kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới, có cơ chế chính sách đặc thù nhằm khơi dậy tiềm năng thế mạnh riêng có của từng vùng...

Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng mối liên kết vùng chặt chẽ, bền vững, cơ chế điều hành vùng hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các Đảng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các Nghị quyết.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định các nghị quyết trước đây Bộ Chính trị ban hành là cần thiết, đến nay vẫn còn đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện các tư tưởng chỉ đạo đó, đồng thời bổ sung thêm những tinh thần mới của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, trong đó một tư tưởng rất mới là tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tổng Bí thư tán thành việc chuẩn bị ra 4 Kết luận cho 4 vùng, nhưng cho rằng nội dung các Kết luận là vấn đề quan trọng. Cần nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng, đặc điểm của từng vùng, xác định rõ nội hàm của nó là kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, hay kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, không thể có kinh tế thuần túy, không thể có kinh tế tách khỏi bảo vệ Tổ quốc.

Cần làm rõ vùng có vị trí, vai trò quan trọng như thế nào đối với khu vực và cả nước, nó có tính liên hoàn về kinh tế, về không gian, gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau để phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khắc phục những mặt hạn chế, khó khăn của từng vùng như thế nào...

Thời gian qua, việc phát triển kinh tế vùng tác động đến cả nước như thế nào, đã đáp ứng yêu cầu đặt ra chưa, khi đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết cần làm bật lên những nét đặc thù, những hạn chế lớn, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, xung quanh các câu chuyện về quy hoạch, liên kết vùng, cơ chế chính sách, chỉ đạo, phối hợp thực hiện.

Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần quán triệt các tư tưởng chiến lược, 3 khâu đột phá, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, trên cơ sở đó lựa chọn một số việc làm thiết thực để đưa nghị quyết vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển trên thực tiễn.

Liên quan đến quy hoạch, phát huy lợi thế của từng vừng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về đất đai, lao động, giáo dục đào tạo, nhân lực, rồi tính chất liên kết giữa các vùng, trong nội vùng, cơ chế chính sách đặc thù cho từng vùng, công tác chỉ đạo phối hợp thực hiện.

Theo TTXVN