Việc chính phủ Nhật có kế
hoạch mua lại các đảo không có người ở do một nhà đầu tư tư nhân sở hữu đã vấp
phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc - nước cũng tuyên bố chủ quyền với nhóm
đảo này và làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng quanh chuyện tranh chấp lãnh
thổ ở biển Hoa Đông.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP |
Thủ tướng Yoshihiko Noda vào ngày 7/7 cho biết, chính phủ của ông đang cân nhắc kế hoạch mua lại các đảo, theo tin từ hãng Kyodo News. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng với tuyên bố, nhóm đảo này thuộc về Trung Quốc và "không thể đem ra mua bán".
Chuyện tranh chấp quanh việc ai kiểm soát nhóm đảo, gọi là Senkaku (tiếng Nhật) và Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) đã leo thang trong tháng 4 sau khi Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara cho biết, ông muốn dùng tiền công quỹ để mua lại nhóm đảo. Chủ quyền ở khu vực này - nơi được tin là giàu tiềm năng khí tự nhiên và dầu ở đáy biển - đã trở thành điểm nóng giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
“Rõ ràng lý do tại sao Senkaku trở thành điểm nóng tranh cãi là các tài nguyên tiềm năng", Jeff Kingston, phụ trách chương trình nghiên cứu châu Á tại trường Đại học Temple ở Tokyo nói. “Thị trưởng Ishihara đã làm chính phủ phải đau đầu".
Senkaku cách đảo cực nam Okinawa của Nhật 160km về phía tây bắc; cách đông nam Thượng Hải 640km.
Trung Quốc không chỉ có tranh chấp hàng hải với Nhật ở biển Hoa Đông mà còn có tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á tại Biển Đông. Cả Việt Nam và Philippines gần đây đã mạnh mẽ phản đối những hành xử gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển này.
Trung Quốc và các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á nên tiếp tục đàm phán về vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố ở Tokyo. Bà Clinton không đưa ra bình luận về tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Một vụ đụng độ năm 2010 giữa tàu cá Trung Quốc với tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku đã làm quan hệ song phương căng thẳng trong nhiều tháng. Hai nước cũng chưa thực hiện thỏa thuận năm 2008 để cùng phát triển tài nguyên dầu khí trong khu vực này.
“Có nhiều người trong chính phủ cho rằng, ông Ishihara đang chơi quân bài chính trị nguy hiểm với vấn đề Senkaku", nhà phân tích Kingston của Đại học Temple nói. "Giờ đây, chính phủ đang ở thế khó xử khi phải làm điều mà họ không muốn, họ biết nó sẽ làm gia tăng căng thẳng".
Thái An (theo Bloomberg)