- Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại.

Không xây nhà cao tầng ở nội đô

Báo cáo trước HĐND TP sáng 10/7, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, với nhiều giải pháp tích cực, tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã có những chuyển biến.  Một số vị trí ùn tắc giao thông kéo dài cơ bản đã được giải quyết, từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn. Từ 134 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm xuống còn 89 điểm.

Ùn tắc giao thông - vấn đề đau đầu của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Tuy nhiên, ông Khôi thừa nhận tình trạng ùn tắc vẫn rất phức tạp, tập trung ở nội đô từ khu vực vành đai 3 trở vào và trên các trục hướng tâm ra vào thành phố.

Nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn thiếu và chưa đồng bộ. Hiện tại, diện tích đất dành cho giao thông khu vực nội đô mới đạt 7 - 8% đất xây dựng đô thị, trong khi theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, con số này phải là 20-26%.

Mạng lưới đường sá có tới 2.150 nút giao thông. Phương tiện giao thông cá nhân lại tăng quá nhanh (hàng năm khoảng 13-15%) và cơ cấu mất cân đối nghiêm trọng.

Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến, chiếm trên 70% số chuyến đi hàng ngày, đi lại bằng xe buýt chỉ chiếm khoảng 10%, đi lại bằng ôtô con chiếm khoảng 8%.

“Dòng phương tiện lưu thông rất hỗn độn, không tách làn nên rất khó khăn cho công tác tổ chức giao thông và rất dễ xảy ra ùn tắc và tai nạn”, ông Nguyễn Văn Khôi "than".

Cùng với đó, việc phát triển đô thị và phân bố dân cư trong nhiều khu vực chưa hợp lý. Mật độ dân số trong khu vực nội đô rất cao trong khi việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, cơ sở sản xuất... ra các khu vực ngoại ô lại quá chậm.

Mục tiêu của Hà Nội là tới năm 2015, giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại, cũng như không để phát sinh điểm ùn tắc mới. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình là 1.944 tỷ đồng.

Sẽ có 200 nút giao được cải tạo, lắp hệ thống camera giám sát. Cầu vượt tại các nút quá tải sẽ được ưu tiên cải tạo hoặc xây mới. Xây cầu vượt nhẹ là chủ trương được người dân hưởng ứng gần đây.

Thành phố cũng cam kết từng bước di chuyển các bến xe ra ngoài trung tâm, không xây dựng nhà cao tầng ở nội đô, chuyển dần các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm và ưu tiên bố trí quỹ đất này cho giao thông.

2030: phương tiện công cộng chiếm hơn một nửa

Theo bản Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được HĐND Hà Nội xem xét tại kỳ họp đang diễn ra, các phương tiện vận tải hành khách công cộng sẽ được ưu tiên tăng thị phần.

Xe buýt từ chỗ chỉ chiếm khoảng 10% lựa chọn đi lại của người dân hiện nay sẽ tăng lên 20% vào năm 2020 và 25% vào năm 2030 trong khu trung tâm, và tăng nhanh hơn với khu vực ngoại ô.

Từ sau năm 2020, Thủ đô sẽ có thêm đường sắt đô thị, dự kiến giải quyết 10-15% nhu cầu đi lại trong trung tâm vào năm 2020 và 35-40% 10 năm sau đó.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, xe buýt và đường sắt nội đô sẽ đáp ứng 60-65% nhu cầu đi lại trong trung tâm và 50% ở ngoại ô.

Hà Nội tính toán, toàn bộ quy hoạch giao thông vận tải dài hơi này sẽ "ngốn" hơn 1.145 nghìn tỷ đồng.

Chung Hoàng