- Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết việc Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông với ASEAN là một sự khởi đầu tích cực.
Cấu trúc của các cuộc gặp này sẽ sớm được quyết định.
"Trong một hoặc hai ngày tới, họ sẽ phải quyết định xem đặt ra thời hạn cụ thể cho quá trình này hay không. Liệu sau này có cần thảo luận xem khi nào thì chúng ta nên cùng gặp mặt, hay là chúng ta sẽ có các cuộc gặp thường xuyên được lên lịch sẵn cho các bên" - ông Surin nói ngày 10/7.
Ông Surin cho biết thêm có một cơ sở lòng tin đang được xây dựng giữa ASEAN và Trung Quốc: "Có một cơ sở lòng tin đang được gây dựng khi chúng ta cùng xây dựng các quy tắc tiêu chuẩn. Chúng ta không lần sờ trong bóng tối mà có hẳn các mục đích rõ ràng trước mắt. Chúng ta chỉ chưa biết khi nào sẽ đạt được các mục tiêu này, nhưng ít nhất việc cùng nhau đi theo một hướng sẽ giúp tránh được hiểu lầm có thể xảy ra".
Trả lời báo chí sáng nay, ông nói: “COC được kỳ vọng sẽ có tính ràng buộc, chấp nhận và thực hiện rất nhiều biện pháp, rất nhiều nguyên tắc quốc tế, các thực tiễn phổ quát trong hàng hải và vận tải quốc tế, thông tin hải quân...”.
Ông cũng cho biết thêm ASEAN đang phát triển phương tiện của riêng mình và cùng trao đổi với Trung Quốc để Bắc Kinh chấp thuận các điều khoản trong COC.
Thông tin từ một quan chức ngoại giao cho hay dự thảo COC đã được các ngoại trưởng ASEAN đồng ý ngày 10/7, theo đó ASEAN kêu gọi tất cả các bên "giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS". Dự thảo kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp "mà không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực" và "cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không trên Biển Đông".
Theo Tổng thư ký ASEAN, “UNCLOS là một trong những trụ cột của các cuộc đàm phán quốc tế, quan hệ quốc tế”.
Cơ chế "bên thứ ba"
ASEAN đề nghị các bên tìm cách giải quyết tranh chấp trước hết trong khuôn khổ của Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) tại Đông Nam Á. Trung Quốc đã tham gia TAC từ tháng 10/2003 mà một trong những điều khoản quan trọng của TAC là cấm việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Theo dự thảo, nếu TAC không thể giải quyết được tranh chấp thì các nước cần dựa vào cơ chế giải quyết tranh chấp theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Trong cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN với các đồng nhiệm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 10/7, vấn đề Biển Đông một lần nữa lại được đề cập đến.
Tranh cãi về chủ quyền tại vùng biển này là một vấn đề nóng trong suốt các cuộc họp của ASEAN lần này tại Phnom Penh. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì quyết định trình bày quan điểm của Trung Quốc bằng tiếng Trung, thay vì tiếng Anh.
Trong thảo luận, nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, khẳng định tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS).
Trước đó một ngày, các ngoại trưởng ASEAN đã thông qua các điểm chính trong bản COC mà ASEAN dự định dùng để đàm phán với Trung Quốc.
Các quan chức cấp cao được ủy nhiệm (SOM) đã thảo luận với bà Phó Oánh - trưởng SOM của Trung Quốc về vấn đề này trong phiên tham vấn không chính thức.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích trên biển Đông - nơi có tuyến đường biển cốt yếu và được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ. Các quốc gia thành viên ASEAN là Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.
Thu Lượng (từ Phnom Penh)