- Thảo luận về đề án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thủ đô sáng nay (11/7), các đại biểu HĐND Hà Nội muốn thấy cụ thể các mục đích sử dụng đất.
Theo đánh giá của UBND Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất, thành phố đã khoanh định được quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực; đất rừng đảm bảo cải thiện môi trường sinh thái và đa dạng sinh học và quỹ đất đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đô thị của thủ đô.
Song vẫn còn một số hạn chế như công tác đăng ký nhu cầu sử dụng đất của chính quyền các cấp và các tổ chức còn mang tính chủ quan, các giải pháp để thực hiện dự án chưa đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả; công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án còn khó khăn, vướng mắc do chính sách của Trung ương có nhiều thay đổi; công tác lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và các tổ chức; quy định về quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập.
Một số chỉ tiêu quan trọng như: đất khu, cụm công nghiệp, đất phát triển hạ tầng đạt thấp; một số dự án được giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng, gây bức xúc trong nhân dân.
Ảnh: Phạm Hải |
Một trong những nguyên nhân hạn chế là việc tổ chức thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt còn thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát. Một số phương án quy hoạch chưa được dự báo sát với tốc độ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương trong kỳ quy hoạch, việc bố trí quỹ đất cho một số lĩnh vực chưa phù hợp khả năng thực hiện.
Cũng có những khó khăn trong quản lý phát sinh sau khi mở rộng địa giới hành chính thủ đô năm 2008.
Bản quy hoạch đồ sộ chỉ ra cụ thể chi tiết các loại đất và mục đích sử dụng của chúng. Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội có 152.248 ha đất nông nghiệp, 178.830 ha đất phi nông nghiệp và 1.811 ha đất chưa sử dụng. Tuy vậy, các ĐB vẫn muốn rõ hơn việc quản lý các loại đất được sử dụng cho các mục đích đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thủ đô.
Ví dụ, theo quy hoạch, trong giai đoạn 2011-2020 sẽ có 41.942 ha đất nông nghiệp chuyển sang mục đích phi nông nghiệp. Tuy tờ trình đã diễn giải cụ thể các diện tích chuyển đổi thành đất trụ sở cơ quan, đất quốc phòng, khu, cụm công nghiệp, đất phát triển hạ tầng, đất ở..., song thấy diện tích này là quá lớn trong bối cảnh ta đang cố gắng bảo tồn đất nông nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Tuyến (huyện Chương Mỹ) yêu cầu có những phân tích tính khả thi và kế hoạch cụ thể để lấy số đất này.
Có chung lo lắng này, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam kiến nghị khi lấy đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, để phát triển công nghiệp cần cân nhắc lấy từ các vùng bán sơn địa, bạc màu, năng suất thấp để tránh mất đi những vùng đất nông nghiệp tốt vì đã chuyển đất sang làm công nghiệp thì không thể quay lại làm nông.
"Thời gian qua các địa phương phát triển khu công nghiệp ồ ạt, theo thành tích hoặc lợi ích nhóm, lấy cả những diện tích đất trồng lúa màu mỡ, năng suất cao", ông Nam chỉ ra. "Những vùng đất đó có thể có ưu thế về đường sá, vị trí, nhưng đã đến lúc ta xem lại cần ưu tiên điều gì hơn".
Các ĐB cũng yêu cầu quy hoạch phải chỉ rõ hơn các diện tích đất cho mục đích giãn dân, giãn cư, tách hộ ở ngoại thành, phát triển thương mại dịch vụ để giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp sau thu hồi đất...
Các đại biểu HĐND Hà Nội cũng muốn bản quy hoạch có tính linh hoạt nhất định để có thể điều chỉnh phù hợp với các quy hoạch lớn hơn của trung ương cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội thực tiễn của từng quận huyện.
Nghị quyết của HĐND Hà Nội về Quy hoạch sử dụng đất 2011 - 2020 cuả thủ đô đã được thông qua với 75/95 số phiếu thuận. Quy hoạch này sau đó sẽ được báo cáo Thủ tướng để phê duyệt.
Chung Hoàng