- Quy hoạch treo, dự án treo, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay... Đại biểu HĐND TP.HCM nêu bức xúc tại buổi thảo luận tổ chiều 11/7.
Các đại biểu HĐND TP.HCM thảo luận tại tổ 

Quy hoạch treo: cũ nhưng vẫn nóng

Đại biểu Lâm Đình Chiến phản ánh một thực tế mà lâu nay người dân khá bức xúc, đó là quy hoạch treo. Quy hoạch hẻm dưới 12m thuộc thẩm quyền của các quận, huyện, nhưng hỏi chừng nào làm thì không ai biết, không trả lời. Còn về các dự án treo, có dự án “đất vàng” bỏ hoang vô cùng lãng phí.

Theo ông Chiến, TP cần rà soát lại các dự án treo, làm thật nghiêm: nếu trong vòng 12 tháng người được giao đất không làm, không có lý do chính đáng thì dứt khoát thu hồi lại.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hồi, theo nhiều đại biểu, TP nên công khai xem trên toàn TP.HCM có bao nhiêu dự án treo, thời gian bao lâu, cái nào rà soát được, hay không được cũng phải công bố. Tới đây khi giao dự án, phải yêu cầu cam kết và có phương án thực hiện khả thi: làm trong thời gian bao lâu, nếu quá thời gian không chuyển động gì thì đương nhiên bị thu hồi.
 
“Vấn đề này TP cũng đang làm, nhưng tôi thấy chưa quyết liệt. Theo tôi, cần chuyển thành nội dung trong nghị quyết của HĐND. Đất là tiền, là vàng mà cứ bỏ hoang thế thì thật vô lý" - ông Chiến quyết liệt.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành đoàn TP.HCM cho rằng cần công bố quy hoạch mới, rà soát lại tính thiết thực dự án, xóa quy hoạch treo. “12/13 ý kiến cử tri quận 7 đều nói về vấn đề quy hoạch. Cả 5 kỳ họp rồi vẫn lặp đi lặp lại chuyện này mãi. Tôi đề nghị phải có mốc thời gian để rà soát quy hoạch”, ĐB Hiếu bức xúc.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Trước tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, phần lớn do chi phí đầu vào tăng mà tiếp cận vốn khó, rào cản lãi suất quá cao, vấn đề giãn giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế vay để cứu doanh nghiệp, cơ chế hỗ trợ của ngân hàng được nhiều đại biểu HĐND quan tâm.

Theo đại biểu Trần Trọng Dũng (quận 8), qua tiếp xúc với 40 doanh nghiệp trên địa bàn quận, hầu hết chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng.  “Vốn là máu của DN, hết máu thì DN chết. Trong khi lãi suất huy động giảm xuống 9%, các ngân hàng áp dụng nhanh chóng nhưng khi chủ trương giảm lãi suất nợ cũ cho vay xuống 15% thì chưa DN nào tiếp cận cận được. Phải có chế tài đối với ngân hàng nào không giảm lãi suất xuống 15% khi cho vay” – ông Dũng đề xuất.

Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, cái khó hiện nay là sự giúp đỡ của Nhà nước không đến được tay doanh nghiệp.

“Khó khăn lớn nhất là mất lòng tin, ví dụ kiểm soát lãi suất 12-14% , thực tế rất ít doanh nghiệp tiếp cận được” - ông Quân nói.

Đại biểu Từ Minh Thiện cũng chưa thấy có giải pháp cụ thể cứu doanh nghiệp. Thành phố có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng khi khảo sát thì thấy nhiều doanh nghiệp không nắm được thông tin đó.

  • Quốc Thái - Nam Phong