Ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn dài trong một hội trường lớn, Ngoại trưởng Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thường niên ASEAN.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì chụp ảnh trước cuộc gặp bên lề diễn đàn khu vực ASEAN tại Phnom Penh. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh những cách thức khác nhau mà Washington và Bắc Kinh đang hợp tác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lại đề cập tới việc xây dựng quan hệ song phương gần gũi hơn.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện tinh thần sẵn sàng làm việc cùng nhau về “các vấn đề nhạy cảm” trong một động thái làm dịu căng thẳng do cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp, ông Dương nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington “để mở rộng những nền tảng chung, tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn các bất đồng về những vấn đề nhạy cảm và thúc đẩy” quan hệ hai nước.
Đáp lời ông, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Mỹ và Trung Quốc không chỉ có thể mà sẽ làm việc cùng nhau tại châu Á”. “Không một quốc gia nào có thể không lo lắng bởi sự căng thẳng gia tăng, những tuyên bố đối đầu và các bất đồng xung quanh việc khai thác tài nguyên”, bà Clinton nói trong cuộc họp báo khi đề cập tới tranh chấp Biển Đông. “Chúng ta đã thấy những trường hợp đáng lo ngại về sự thúc ép kinh tế, nguy cơ sử dụng quân sự, và tàu thuyền chính phủ liên quan tới tranh chấp giữa các ngư dân”.
Bà Clinton - người tham gia hội nghị ngoại trưởng khu vực ở Phnom Penh, Campuchia, đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không đe doạ hay hăm doạ và ủng hộ tất cả các bên tham gia đối thoại để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ dường như không “đúng ý” Bắc Kinh khi Trung Quốc muốn dùng cách tiếp cận song phương trong vấn đề chủ quyền ở vùng biển này. Trong khi đó, bà Clinton còn cảnh báo, giải quyết vấn đề theo con đường song phương “có thể dẫn tới sai lầm hay thậm chí đối đầu”.
Theo giới phân tích, việc Mỹ và Trung Quốc đều cam kết hợp tác có thể làm cho tình hình hiện tại “hạ nhiệt” nhưng vấn đề hàng hải thường rất phức tạp cũng như nhạy cảm, và cần nhiều thời gian để giải quyết hợp lý.
Một quan chức Mỹ hôm 12/7 cho hay, ông Dương đã phát đi “tín hiệu thận trọng” với bà Clinton rằng, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước Đông Nam Á với tư cách một khối về bộ quy tắc ứng xử đã được đề xuất. Theo vị quan chức này, Trung Quốc đã đề nghị với các nước khác có thể bắt đầu đàm phán về vấn đề này trong tháng 9.
Trong cuộc gặp bên lề, Ngoại trưởng Mỹ, Trung đã đánh giá lại sự hợp tác hai bên ở châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng, quản lý lâm nghiệp; đồng thời đạt được thoả thuận về mặt nguyên tắc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như bảo vệ động vật hoang dã, kiểm soát dịch bệnh và quản lý đánh bắt cá.
Hai bên cũng nhất trí tổ chức vòng tham vấn thứ 4 về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Ngoại trưởng Trung, Mỹ còn trao đổi quan điểm về tình hình Trung Đông và các vấn đề khu vực, quốc tế khác cùng quan tâm.
Thái An (theo Financial Times, Reuters, AP)