- Dự kiến ở kỳ họp cuối năm, mỗi dự án luật, Quốc hội có nửa ngày thảo luận. Nhưng theo nhiều ủy viên Thường vụ, nửa ngày không thể đủ cho dự thảo sửa Hiến pháp cũng như luật Đất đai.
Họp trực tuyến về luật Đất đai, Hiến pháp
Văn phòng Quốc hội cho hay, các đại biểu sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp tới 9 dự án luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật, xem xét các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát và báo cáo công tác tư pháp. Theo đó, mỗi dự án luật có nửa ngày để thảo luận tại hội trường.
Ảnh: LAD |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý e ngại điều này có thể làm ảnh hưởng đến việc xem xét một số dự án luật quan trọng. “Việc lấy phiếu tín nhiệm, việc sửa Hiến pháp, dự án luật Thủ đô... chỉ có nửa ngày thảo luận. Rút quá ngắn như vậy, e rằng chất lượng sẽ không đảm bảo”.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng với những nội dung như sửa đổi Hiến pháp, luật Đất đai, được dư luận quan tâm và cũng có nhiều vấn đề phức tạp, cần được gấp đôi thời gian thảo luận so với các luật khác.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, luật Đất đai sửa đổi do tính chất phức tạp cần thảo luận thêm, nghe báo cáo nhiều lần, kể cả báo cáo giải trình tại các ủy ban và Thường vụ. Hay việc sửa đổi Hiến pháp từ nay đến cuối năm phải chuẩn bị tích cực để trình QH tại kỳ họp cuối năm, ra nghị quyết sau đó lấy ý kiến nhân dân, và tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ tiếp theo, để cuối năm 2013 thông qua.
Trong tờ trình, Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị Thường vụ sớm cho ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, hội nghị trực tuyến để lấy ý kiến về các nội dung kỳ họp. Theo đó, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào hạ tuần tháng 8 tới sẽ thảo luận các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân, luật Thủ đô, luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Hội nghị trực tuyến sẽ diễn ra đầu tháng 9 để thảo luận các dự án luật Đất đai (sửa đổi), luật Đầu tư công, mua sắm công, luật hoặc Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992...
Tại phiên họp, các ủy viên Thường vụ cũng lưu ý việc đẩy nhanh xây dựng cơ chế lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
Tăng chất vấn lên 3 ngày?
Đề nghị Ủy ban Thường vụ chỉ đạo sát sao việc giám sát thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Văn phòng Quốc hội đề xuất tăng thời gian chất vấn thêm nửa ngày so với thông lệ. Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc lí giải, tăng số ngày chất vấn lên 3 ngày thay vì hai ngày rưỡi “để có thể bố trí các bộ trưởng báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3”.
Việc này áp dụng “đối với những vụ việc bức xúc, đến thời hạn trả lời đại biểu như đã hứa”, ông Phúc cho hay.
Trong khi đó, một số ủy viên Thường vụ lại đề nghị cân nhắc thêm. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH giải thích, hiện nay QH đã tăng cường việc bộ trưởng báo cáo ở Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, tăng cường chất vấn ở Thường vụ với mục đích giảm thời gian chất vấn tại Hội trường. “Đại biểu, cử tri thấy hợp lý nhưng đặt trên phương diện Chính phủ, khi chúng ta đưa ra nhiều vấn đề chất vấn, e rằng các bộ trưởng không đủ thời gian làm việc”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu câu hỏi, không phải là Bộ trưởng thì có chất vấn không? Ví dụ với người đứng đầu cơ quan tư pháp?
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hai cơ quan Viện Kiểm sát và Tòa án cần có báo cáo giải trình cụ thể. Về nguyên tắc khi thảo luận và báo cáo phải làm rõ trách nhiệm, tương tự như với chất vấn. Tinh thần của thảo luận là ra được nghị quyết về một số công việc cụ thể. Các báo cáo giải trình cần tăng các vụ việc mang tính chất thời sự.
Các ý kiến sẽ được tổng hợp để chốt lại thông qua chính thức.
Hoàng Phương