- Khẳng định với báo giới tại Hà Nội chiều 18/7 rằng ASEAN vẫn có tầm nhìn chung về Biển Đông, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho hay đây là lúc ASEAN cần nhanh chóng tái hợp.


Ông Marty Natalegawa: ASEAN cần nhanh chóng tái hợp, củng cố lập trường chung

Nội bộ ASEAN không nên hiểu nhầm

Những kiến nghị của Indonesia về việc duy trì vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông có ý nghĩa đối với các nước như Campuchia?

Có chứ. Đó là thách thức và nhiệm vụ mà chúng ta đều phải làm, làm thế nào để duy trì sự đoàn kết của ASEAN. Thực ra sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN liên hệ chặt chẽ với nhau. Không đoàn kết thì sẽ không thể duy trì được vai trò trung tâm. 

Cá nhân mỗi thành viên ASEAN không bày tỏ một quan điểm riêng mang tính dân tộc về các xung đột này, rằng ai đúng ai sai. 

Cái chúng ta có là một quan điểm chung trong việc ủng hộ các cơ chế như DOC, Bản hướng dẫn thực thi DOC, Công ước Luật Biển, luât pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. 

Đó là những nguyên tắc đã đoàn kết ASEAN trong quá khứ, và sẽ tiếp tục đoàn kết chúng ta trong tương lai. Nhất là trong thời điểm rất quan trọng này.

Những nguyên tắc này là hướng tới tương lai. Nhưng chính ông tuần trước ở Phnom Penh đã nhận định rằng ASEAN dường như ngại nói về quá khứ?

Tuần trước chúng ta đã có một cơ hội tốt để thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, cuộc thảo luận đã diễn ra rất thẳng thắn. 

Nhưng tôi nghĩ, một mặt chúng ta không quên những gì đã xảy ra trong quá khứ, mặt khác cần nhanh chóng tái hợp, nhanh chóng củng cố lập trường chung để trong tương lai, khi có bất cứ sự cố gì lại xảy ra, chúng ta đã có cơ sở để phản ứng. 

Tôi đã thống nhất với Ngoại trưởng Philippines Del Rosario và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh rằng ASEAN cần tăng cường sự thống nhất về vấn đề này để có một nhận thức chung. 

Ví dụ như hôm nay bản thân tôi đã thực hành ngoại giao con thoi, cũng như ngoại giao qua điện thoại, để chúng ta có thể phản ứng một cách kịp thời hơn với những diễn biển trên Biển Đông, thay vì chờ đợi đến những cuộc gặp chính thức. Hy vọng các làm này sẽ đem lại kết quả.

Có nhiều ý kiến lo lắng về sự đoàn kết của ASEAN sau Hội nghị ở Campuchia. Vậy cần phải làm gì để những lo lắng đó giảm đi?

Tôi nghĩ quan trọng nhất là các nước ASEAN phải tham vấn và đối thoại với nhau, bởi vì không làm thế thì không hợp tác được. Trong nội bộ ASEAN không nên có sự hiểu nhầm hay nhận thức sai làm chệch hướng tiến trình. 

Nói ASEAN đang mất đoàn kết là không đúng, ASEAN vẫn có tầm nhìn chung trong vấn đề Biển Đông, mà 6 nguyên tắc tôi nêu trên đã phản ánh đầy đủ. Tôi hy vọng trong các cuộc gặp tới, tôi sẽ đạt được sự ủng hộ đầy đủ của các thành viên ASEAN đối với các nguyên tắc này.

“Những gì ở Campuchia sẽ là ngoại lệ duy nhất”

Ông có lo lắng cho tương lai của COC không?

Dù các diễn biến hiện nay có vẻ như đang làm phức tạp thêm quá trình xây dựng COC, thì đây cũng là lúc chúng ta ý thức được sự cần thiết của COC, giống như luật giao thông, ta phải có những quy tắc ứng xử trên Biển Đông để tránh những sự cố, hiểu nhầm, nhận thức sai và xung đột. 

Lúc này chúng ta càng cần tiến lên, cần nhanh chóng đạt được tiến bộ. Năm ngoái chúng ta đã đạt được một tiến bộ quan trọng với Bản hướng dẫn thực thi DOC sau 8 năm dậm chân tại chỗ. Indonesia tin rằng, chúng ta có thể nhanh chóng đạt được tiến bộ với COC.

Ông có nghĩ là sau thất bại trong việc đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông ở Campuchia vừa rồi, các nước liên quan sẽ tìm kiếm đồng minh bên ngoài khối vì họ thấy không nhận được sự ủng hộ từ chính hiệp hội của mình?

Tôi nghĩ không đến mức phải làm như vậy. Các nước trong ASEAN đều có tầm nhìn và đường lối đối ngoại riêng, nhưng cùng lúc, chúng ta cũng thuộc về gia đình ASEAN. 

Các nước không nên bị nhìn nhận là đối đầu với nước nào, chúng ta có thể có lập trường riêng, lập trường song phương và lập trường khu vực. ASEAN từ trước đến nay cũng đều đón nhận, hướng ngoại và vươn xa, với tất cả các đối tác từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, ta có ASEAN +3, và nhiều quốc gia khác. 

Tiếc là tuần trước chúng ta đã có những khó khăn, nhưng tôi tin rằng, Indonesia tin rằng những gì xảy ra ở Campuchia chỉ là một ngoại lệ, và nó sẽ là ngoại lệ duy nhất.

Đó chính là lý do tại sao Indonesia ở Hà Nội, ở Manila, ở Phnom Penh để khẳng định lại thông điệp rằng ASEAN vẫn đoàn kết và phải tiếp tục đoàn kết. Đó không chỉ là thực tiễn đang diễn ra mà còn là một lựa chọn mang tính chính sách, không chỉ hiện nay mà còn cả trong tương lai.

“Không muốn ASEAN trượt dốc”

Indonesia rất tích cực trong việc gìn giữ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, vậy lý do là gì?

Vì ASEAN có lợi cho tất cả chúng ta. Nếu có xung đột, dù là ở Đông Nam Á hay ở Đông Thái Bình Dương, nền kinh tế của chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng, chúng ta đều sẽ không thể đạt được những tiến bộ trong phát triển thịnh vượng. 

Vì vậy, hòa bình và ổn định ở ASEAN là rất quan trọng, để chúng ta có thể tập trung vào những vấn đề thực chất hơn như tăng cường an sinh cho người dân. 

Nhiều nước ASEAN trong quá khứ đã từng nếm trải chiến tranh, xung đột…, chúng ta đều biết cái giá của việc không có hòa bình. 

Chúng tôi không muốn sự hỗn loạn, trượt dốc, chúng tôi muốn tiến lên, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh. Vì thế, ngồi yên không làm gì, nhìn mọi chuyện trở nên xấu đi không phải là lựa chọn của Indonesia, cho dù không thể đạt được thành công ngay lập tức.

Chung Hoàng
ghi